Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các tỉnh trong cả nước đã sơ kết 8 tháng Phát động Chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, do T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, ngày 20-10-2021. Kết quả đã có hơn 10.000 trẻ em mồ côi được nhận đỡ đầu, trong đó có 4.400 trẻ mồ côi do Covid-19.
Đây là Cuộc vận động nhân văn với mục đích trong sáng, như thông điệp của Cuộc vận động: “Không để trẻ mồ côi nào bị bỏ lại phía sau. Hãy hành động vì một tương lai hạnh phúc, tươi sáng của các em”.
Tuy nhiên, phải nói ngay rằng đây là công việc vô cùng khó, không phải cứ có lòng nhiệt tình, có trách nhiệm, có tiền bạc là giúp các em hiệu quả. Đặc biệt, để trở thành “Mẹ đỡ đầu” thực thụ của các em thì lại càng khó…
Vì để trở thành “Mẹ đỡ đầu” đúng nghĩa của các em, thì trước hết phải hiểu các em và hiểu hoàn cảnh của các em thì mới biết các em đang “thiếu” gì để giúp các em đúng thứ mà các em đang cần. Đó là chưa nói các “mẹ” phải có kiến thức về nuôi dậy trẻ mồ côi. Mà các em - mỗi em, khi còn bố mẹ có một hoàn cảnh riêng, cách chăm sóc, giáo dục riêng, dẫn đến tính cách riêng.
Đó là chưa nói việc làm nhân văn này, nếu để xảy ra những sơ sẩy, dù là nhỏ thì cũng sẽ dẫn đến những hâu quả rất đáng tiếc. Vì các em - nhất là số những em mồ côi do Covid-19, tâm lý rất dễ bị tổn thương. Một cán bộ ở Phòng Văn hóa của T.P Hồ Chí Minh nói với tôi, số đông các em mồ côi bố mẹ do Covid-19, có tâm lý muốn tránh những hoạt động đông người; “sợ” nhắc đến tên bố, mẹ…
Tuy nhiên, các em mồ côi lại đang có một hoàn cảnh chung, một tương lai chung, nếu như không muốn nói là số phận chung - là các em mất bố, mất mẹ. Bất luận trong hoàn cảnh nào các em cũng phải tự lập đi bằng đôi chân bé bỏng của các em.
Hoàn cảnh nghiệt ngã đó mới chính là “mẹ” của mình.
Đừng vội cho các em tiền. Đừng cho các em một hoàn cảnh thuận lợi. Đừng ôm các em vào lòng; mà hãy theo dõi, giúp đỡ các em đứng dậy bằng đôi chân của chính các em - đây phải là những người có “con mắt tinh đời” mới lo cho các em được - nghĩa là phải được đào tạo, phải có chuyên môn.
Nhớ là không có “Mẹ phong trào”.
Huy Thiêm