Là lực lượng lao động có số lượng lớn, nhưng lái xe công nghệ đang gặp khó khi tiếp cận các gói an sinh.
Với doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay, chỉ đứng sau thị trường thương mại điện tử bán lẻ ở Việt Nam, ngành nghề lái xe công nghệ thu hút một lực lượng lượng lớn lao động tham gia. Chỉ tính riêng hãng xe công nghệ Grab, hiện có hơn 175.000 tài xế trên toàn quốc, bao gồm cả GrabBike lẫn GrabCar. Tuy nhiên, lái xe công nghệ chưa có “danh phận” trong hệ thống chính sách, pháp luật về lao động. Các chính sách BHXH, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa gắn với thị trường lao động này.
Lái xe công nghệ được một số hãng xe gọi là “đối tác” chứ không phải người lao động của doanh nghiệp nên họ không hỗ trợ tiền lương, bảo hiểm xã hội. Việc cho rằng tài xế là đối tác về bản chất là một cách “lách luật” của người sử dụng lao động do quan hệ lao động nằm ngoài khuôn khổ Bộ luật Lao động điều chỉnh. Bên cạnh đó, cũng chưa có chuẩn mực nghề nghiệp và khung pháp lý rõ ràng quy định chế độ phúc lợi xã hội cho lực lượng lao động này. Vì vậy, lái xe công nghệ không được hưởng chế độ BHYT, BHXH bắt buộc dành cho người ký hợp đồng lao động, không có các chế độ phúc lợi xã hội nào khác.
Cơ hội việc làm của lái xe công nghệ luôn đi kèm thách thức, rủi ro để có thu nhập. Họ phải đánh đổi thời gian, sức khỏe, bất chấp hiểm nguy khi tham gia giao thông thường xuyên; thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định, phải đối mặt với rủi ro cao như tai nạn nghề nghiệp, nguy cơ bị xâm hại... Đặc biệt khi tình hình dịch bệnh bùng phát, yêu cầu giãn cách xã hội, sự có mặt của họ rất cần thiết, giúp cung cấp nhu cầu thiết yếu cho người dân để hạn chế việc ra ngoài. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với khả năng lây nhiễm cao do di chuyển nhiều.
Ngoài ra, lái xe công nghệ làm việc trung bình từ 8 đến 13 giờ (toàn thời gian); trung bình 5-6 tiếng/ngày (bán thời gian). Do tính linh hoạt, chủ động về thời gian, tình trạng làm việc nhiều giờ/ngày, vượt quá quy định về số giờ làm việc trong tháng theo Bộ luật Lao động là khá phổ biến. Do tính chất công việc nên lái xe chủ động thời gian, làm nhiều giờ trong ngày, tăng thu nhập cho doanh nghiệp nhưng cũng không được hưởng tiền lương làm thêm giờ.
PGS.TS. Lê Thị Hoài Thu - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ trở thành nhân tố khởi tạo và chuyển đổi quan hệ việc làm, quan hệ lao động. Công nghệ 4.0 đã và đang tạo ra xu hướng khiến nhiều người lao động chuyển sang làm những công việc hoạt động trên các nền tảng trực tuyến: như dịch vụ đưa đón hành khách, giao nhận hàng, giao đồ ăn, kết nối thông qua việc sử dụng các ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động (Grab, Gojek, Be…). Nghề lái xe công nghệ đã trở thành một nghề chính của hàng ngàn lao động và hầu hết họ hy vọng có thu nhập cao từ công việc ít áp lực và chủ động được thời gian làm việc”.
Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển cộng đồng, có 66,7% lái xe công nghệ mong muốn được tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ trực tiếp; 45,5% hy vọng Công ty Grab tư vấn, hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội; 24,2% cho rằng sẽ thuận lợi hơn nếu được địa phương hỗ trợ và 53% mong muốn tham gia một hội, nhóm, câu lạc bộ… dành cho lái xe. Phần lớn lái xe công nghệ hiện nay ở độ tuổi 25-35 tuổi. Mức độ tiếp cận các chính sách như BHXH tự nguyện hiện vẫn rất thấp, chỉ dưới 10%.
Để góp phần đảm bảo tốt hơn quyền lợi của ngành nghề lái xe công nghệ, rất cần các chính sách hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chính thức hóa việc làm. Bên cạnh đó, cần có các chương trình, kế hoạch cụ thể trong việc khuyến khích chính thức hóa việc làm phi chính thức.
Mai Phương