Khi đứng trên bong tàu cao tốc, rời cảng Sa Kỳ, rẽ sóng hướng ra huyện đảo; rồi khi tàu cặp đảo, thấy từng ngọn sóng vỗ vào kè chắn sóng tung bờm trắng xóa, như trước đây tôi bắt gặp ở các đảo Thuyền Chài, Phan Vinh..., thì kỷ niệm những ngày tác nghiệp báo chí ở Trường Sa mấy năm trước ùa về.
Lần đó, sau hai ngày ba đêm lênh đênh trên biển kể từ lúc cất ba hồi còi chào tạm biệt quân cảng Cam Ranh, tàu hải quân 996 đã đưa đoàn công tác chúng tôi cặp đảo Trường Sa Lớn. Bỏ lại phía sau những con sóng giữ dằn, cầm bàn tay ấm nóng, rồi sóng bước cùng những người lính đảo, tôi như sống giữa hai bờ hư-thực. Trường Sa rất xa mà cũng thật gần gũi, thân thương; từ ánh mắt, nụ cười của những chiến sĩ hải quân "đồng hương" xứ Nghệ, đến những luống đất, cỏ cây, hoa lá nơi này... Không muốn nói nhiều về sự vất vả, thiếu thốn, về nhịp sống căng thẳng, khẩn trương của những người lính, bởi ai cũng hiểu: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu giữ vững chủ quyền biển đảo..., luôn là nhiệm vụ thiêng liêng của họ. Điều gây ấn tượng mạnh với tôi là cạnh doanh trại bộ đội, bên bờ công sự có một dãy nhà nhỏ xinh xắn của ngót một chục hộ dân và một lớp học của những công dân tương lai trên đảo. Một mái trường đặc biệt, duy nhất một cô giáo trẻ-vừa là Hiệu trưởng vừa kiêm chủ nhiệm mấy lớp học, mỗi lớp không quá hai học trò. Tiếng trẻ đánh vần, những khúc đồng giao lạc nhịp líu lo..., sao thân thương đến thế!
Chương trình làm việc ở đảo Trường Sa Lớn kết thúc bằng bữa cơm "đoàn kết" dưới tán lá những cây bàng vuông. Sau bữa cơm, trên cánh võng, chúng tôi ngắm hoa bàng khoe sắc, nghe chim én về tình tự trong lá. Rồi bất chợt vang lên một tiếng gà gáy trưa, gợi nhắc một buổi trưa ở quê nhà.
Rời Trường Sa Lớn mang theo dư âm Lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng Trường Sa, giải phóng miền Nam, có các khối quân-binh chủng diễu binh và khối quần chúng đủ nam-phụ-lão-ấu diễu hành, đoàn chúng tôi qua các đảo Đá Đông, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Lát, Phan Vinh, Núi Le...
Với những đảo chìm như Đá Đông, Đá Tây, Núi Le..., cuộc sống của những người lính được tổ chức đạt tới trình độ nghệ thuật. Mọi "công đoạn" chuẩn xác tối đa nhưng vẫn không kém phần lãng mạn. Trên bàn làm việc của Đại úy Hoàng Anh Tuấn-Chính trị viên đảo Tiên Nữ, hay của Đại úy Hoàng Văn Nam-chính trị viên đảo Thuyền Chài, bên cạnh tấm hình vợ chồng anh cùng con gái nhỏ..., là khóm xương rồng, hoặc chậu sen cạn được chăm sóc kỹ lưỡng, một cây đàn ghi ta được treo khá điệu đà...
Chưa đến đến những đảo chìm Trường Sa, chưa thấy hết vẻ đẹp của những "vườn treo Babilon" gồm nhiều khay rau của lính đảo. Đất trồng rau từ đất liền chuyển ra. Theo Đại tướng Phạm Văn Trà-nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì vào những năm làm Bộ trưởng, ông cho chuyển ra đảo mỗi năm 500 tấn đất màu để bộ đội trồng rau. Đến đảo Thuyền Chài, nhìn những khay rau muống mơn mởn đẹp như tranh, tôi lại nhớ lại hai câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết về sự nghiệt ngã, khốc liệt của bộ đội ở chính đảo này ngày trước: "Võng bạt chung chiêng giữa biển giữa trời/ Đến một cái gai cũng không sống nổi". Giờ đây thì hết thảy-con người, cỏ cây ở đây đều sống vững bền, sống tốt tươi.
Cùng với rau là gà, vịt, chó... Đến đảo nào cũng bắt gặp những đàn chó thật đẹp. Có điều, trong khi đám cẩu tỏ ra rất thân thiện, vồ vập cánh đàn ông, thì lại rất lạnh nhạt, thậm chí còn "gầm gừ" với những bóng hồng-mấy nữ nhà báo, ca sĩ... Chứng kiến cảnh đó, tôi nói đùa với anh Xuân Ba bên báo Tiền Phong: Ngày này qua tháng khác, các "ông kễnh" chỉ biết có đám đực rựa chúng mình, nay thấy các nàng tóc nâu, môi đỏ, ngực nhòn nhọn, tiếng thì chí cha chí chóe..., chúng "cảnh giác" là phải thôi! Anh Xuân Ba tủm tỉm: Đúng là ông đồ Nghệ...!
Đến mỗi đảo, là dân báo chí, quà mà anh em chúng tôi tặng cán bộ, chiến sĩ ở đảo chỉ là sách, báo. Và món quà vô giá mà tôi nhận được là những cuốn sách mình viết, những cuốn tạp chí có bài viết của mình, hoặc cơ quan mình xuất bản, kèm theo bút tích của những người lính đảo. Mang về gần chục đầu sách và mấy số tạp chí Văn hóa quân sự có lưu bút của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, mấy anh em cùng đoàn cho tôi là người "giàu" nhất chuyến đi.
Gần chục ngày ở đảo, tôi nhặt nhạnh, học hỏi được rất nhiều. Ấn tượng mạnh, thiêng liêng nhất là khi đặt chân lên đảo Tiên Nữ-đảo cực đông trong quần đảo Trường Sa. Ở đây, khi trò chuyện cùng người lính trực canh trong chốc lát, tôi may mắn được em bộc bạch: Chúng em đứng đây tưởng là xa nhưng rất gần đất liền. Quân số đơn vị không nhiều, trong khi tàu thuyền nước ngoài thường xuyên xâm phạm, quấy phá, nhưng không một cán bộ, chiến sĩ nào mềm lòng, vì chúng em biết phía sau mình là bến bờ, là Tổ quốc...
Tôi chuyển tâm sự của người lính tới Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng-Phó chủ nhiệm TCCT, Trưởng đoàn công tác, và nói với ông: Thủ trưởng ơi, đừng vội nghĩ rằng người ở đất liền ra động viên, làm công tác tư tưởng cho người ở đảo, mà chính người giữ đảo đã làm yên lòng người đến từ đất liền.
Thời gian, giông bão..., đã mấy năm qua rồi, mà mỗi khi nghĩ đến Trường Sa, thì gương mặt trẻ trung, đầy cương nghị của người lính trên đảo Tiên Nữ và điều em nói khó nhạt nhòa trong tôi.
Điểm cuối cùng của hải trình là nhà giàn Ba Kè. Khi tàu tới, biển "giở chứng" nổi sóng lớn, trời đổ mưa. Hầu hết thành viên của đoàn không lên được nhà giàn. Thủ trưởng động viên bộ đội qua bộ đàm. Các nữ ca sĩ hát cho bộ đội nghe qua bộ đàm. Tiếng hát đẫm nước mắt...
Ra Lý Sơn, tới thăm khu đền miếu mà hằng năm người dân ở đây vẫn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, và thăm những ngôi mộ gió, tôi lại nhớ thời khắc vô cùng cảm động là Đoàn tổ chức Lễ thả hoa tưởng niệm những người lính đã chiến đấu, hi sinh vì chủ quyền biển, đảo. Hôm đó, tàu rời khu vực nhà giàn, sóng bớt giữ dằn, biển sáng bừng lên. Sau khi một vòng hoa đẹp, như chiếc phao lớn được thả xuống biển, hơn trăm con người đứng lặng trên boong tàu, nghe Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn-Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân đọc lời điếu, như những lời tâm sự: "...Chúng tôi biết biển rất sâu và các anh nằm dưới đó lạnh lắm. Biển thì sâu mà lực chúng tôi có hạn, nên mới chỉ đưa được rất ít các anh về với đất mẹ yêu thương...". Không ít người nấc lên, bật khóc!...
Hơn chục ngày tác nghiệp ở Trường Sa, tôi đã có được mấy bài viết: "Sách ở Trường Sa", "Những tờ báo tường của lính đảo", "Trưa Trường Sa" (thơ) và "Tháng tư về thêm nhớ Trường Sa"... Quả thật, kể từ ngày từ đảo trở về, hằng năm cứ tới tháng Tư, tháng Năm, đây đó, người người rục rịch ra công tác ở Trường Sa là nỗi nhớ đảo lại dâng đầy như con nước lên ròng trong tôi.
Duy Tường