Đội ngũ cán bộ chính trị thường xuyên động viên, nắm bắt tình hình tư tưởng của chiến sĩ mới ngay từ những ngày đầu.

Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân uỷ T.Ư, Bộ Quốc phòng trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, trực tiếp chỉ đạo tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong toàn quân.

Về vai trò của Tổng cục Chính trị, Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị ngày 4-7-1985 nêu rõ: “Tổng cục Chính trị là cơ quan đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị của toàn quân, hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ Quân sự T.Ư (nay là Quân uỷ T.Ư), đồng thời dưới sự lãnh đạo của Ban Bí thư T.Ư Đảng”. Theo Trung tướng Phùng Khắc Đăng - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, đối chiếu với các ban của Đảng, có thể thấy Tổng cục chính trị có chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động không khác gì các ban của Đảng: “Trong mối quan hệ biện chứng giữa Tổng cục Chính trị với các ban của Đảng, chúng ta vừa là chủ thể, vừa là khách thế. Tổng cục Chính trị đã cùng Quân ủy T.Ư xây dựng quân đội có bản lĩnh trong tất cả các hoàn cảnh, các nhiệm vụ. Ví dụ chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Đảng, phấn đấu để làm trọn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng đã giao. Xây dựng nền tảng chính trị cho quân đội, để quân đội trung thành với Đảng, trung thành với chế độ, trung thành với nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt XHCN”.  

Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội là nguyên tắc, vấn đề có tính quy luật, nhân tố quyết định sự ra đời, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội ta. Khác với các loại hình cơ quan, đơn vị thông thường, Quân đội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Quân ủy T.Ư do đồng chí Tổng Bí thư đứng đầu. Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội được xác định ngay từ những đội vũ trang đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thành lập và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn cách mạng. Trung tướng Phùng Khắc Đăng phân tích: “Trong lý luận, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin rất coi trọng yếu tố tinh thần, tức là cán bộ chính trị, cơ quan chính trị và cơ chế hoạt động của CTĐ, CTCT. Người ta đã rút ra một câu là ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác chính uỷ được làm chu đáo nhất, thì ở đó nói chung các nhà quân sự ít thấy có sự phản bội. Ở đó không có tình trạng lỏng lẻo, quân đội giữ được trật tự hơn, tinh thần cũng cao hơn, và thắng lợi thu được nhiều hơn. Ở Việt Nam chúng ta đã nhận thức vấn đề này rất đúng ngay từ đầu. Chúng ta đã bố trí và chăm lo cho đội ngũ này ngay từ đầu. Khi thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thì chúng ta đã bố trí chính trị viên của đội và cán bộ chính trị ngay từ đầu”.

Theo Trung tướng Phùng Khắc Đăng, từ khi Đảng ta thành lập đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thời kỳ hình thành cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, tuy còn sơ khai nhưng hết sức cơ bản và phù hợp thực tiễn, đặt nền móng vững chắc cho việc phát triển, hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo QĐND Việt Nam. Các đội vũ trang cách mạng đầu tiên đều có chi bộ Đảng lãnh đạo, có tổ chức chỉ huy chặt chẽ. Bên cạnh đội trưởng có chính trị viên và hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị.

Chúng ta đã bố trí và chăm lo cho đội ngũ cán bộ chính trị ngay từ đầu và chúng ta đã lựa chọn cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội ngay từ đầu. Để cho phù hợp với từng hoàn cảnh, từ cơ chế 2 thủ trưởng, cơ chế nhất nguyên, cơ chế 07, 27, 51 đến bây giờ. Chúng ta khẳng định mỗi cơ chế có mạnh yếu khác nhau, nhưng đều phát huy được, bổ sung được kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội: Mấu chốt của nó là giữ nguyên được nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội trực tiếp, toàn diện về mọi mặt. Mọi chỉ thị, mọi mật lệnh từ QUTW triển khai đều triển khai trực tiếp đến TCCT. TCCT là người triển khai”.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, làm cho Quân đội luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, Đảng tổ chức ra Tổng cục Chính trị để tham mưu cho Đảng, Quân ủy T.Ư những chủ trương, biện pháp xây dựng các tổ chức Đảng trong Đảng bộ Quân đội; tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt trong việc xác lập, không ngừng củng cố và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình, 80 năm qua, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã khẳng định vai trò hết sức quan trọng của cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; bảo đảm cho Quân đội thực sự là “tổ chức quân sự của Đảng”; cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam có “con đường chính trị đúng đắn”, sẵn sàng hy sinh, chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân.

Ngọc Linh