
Bộ đội ta tiếp quản TP. Hải Phòng (ngày 13-5-1955). Ảnh: TL
70 năm sau ngày giải phóng, TP. Hải Phòng anh hùng đang “rộng dài, rực sáng” đúng như dự đoán của nhạc sĩ Lương Vĩnh và nhà thơ Hải Như trong bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” 55 năm trước ...
Xứng danh thành phố Anh hùng
Có một sự trùng hợp khá thú vị, Ngày giải phóng thành phố Hoa phượng đỏ (13-5) lại đúng vào mùa hoa phượng nở. Vào những ngày này, trên khắp phố phường, làng mạc, bài “thành phố ca” mang tên “Thành phố Hoa phượng đỏ” lại được cất lên với những câu mượt mà, hùng tráng: “Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ. Ơi Hải Phòng thành phố quê hương… Hải Phòng ơi, hôm nay bé nhỏ, mai ta đã thấy rộng dài rực sáng…”.
Tin vui vừa đến với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thành phố (13.5.1955 - 13.5.2025), Chủ tịch nước Lương Cường đã ký Quyết định số 766/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng” cho TP. Hải Phòng do có thành tích đặc biệt xuất sắc và toàn diện, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Quyết định này của Chủ tịch nước đáp ứng niềm mong mỏi của toàn thể nhân dân thành phố, là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực, đóng góp to lớn của Hải Phòng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời khẳng định tinh thần “Trung dũng - Quyết thắng” mãi luôn là ngọn lửa soi đường để Hải Phòng vững bước vào kỷ nguyên mới.
Hải Phòng được nhân dân cả nước và bạn bè trên thế giới biết đến về một miền đất “địa linh sinh nhân kiệt”. Người Hải Phòng cùng quân dân cả nước đã làm nên những chiến thắng vang dội trong ba lần đánh quân xâm lược của các thế lực phong kiến phương Bắc trên dòng Bạch Đằng Giang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với những chiến công hiển hách đã đi vào lịch sử của dân tộc như “Đường 5 anh dũng”, “Đường 10 quật khởi”, “Cát Bi rực lửa”…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thành phố là “pháo đài thép” bên bờ biển Đông. Nhằm ngăn chặn việc chi viện cho chiến trường miền Nam và sự giúp đỡ của các nước anh em đối với Việt Nam, đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn để phong tỏa cảng Hải Phòng. Đợt phong tỏa lần thứ nhất (1967-1968), Mỹ đã dùng tới gần 1.500 quả bom từ trường và thủy lôi; đợt phong tỏa thứ hai (1972) Mỹ dùng tới 2.877 quả bom từ trường và thủy lôi các loại tại khu vực Hải Phòng. Trong hai đợt phong tỏa, hàng nghìn quả thủy lôi, bom từ trường của Mỹ đã được quân dân Hải Phòng phá hủy, quân dân Hải Phongg bắn rơi 317 máy bay Mỹ, kịp thời thông tuyến hàng hải đặc biệt quan trọng này. Hải Phòng cũng đã chi viện hàng vạn con em cùng với rất nhiều hàng hóa lên đường cùng đồng bào miền Nam đánh giặc.

Thành phố “đi nhanh, về sớm”
Nếu như trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Hải Phòng thường là nơi “đi trước về sau” thì trong thời bình, thành phố “Hoa phượng đỏ” lại luôn là địa phương năng động, sáng tạo, “đi nhanh, về sớm” so với cả nước.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, với âm mưu đặt lại ách thống trị trên toàn bộ nước ta, ngay từ giữa tháng 11-1946, thực dân Pháp đã tiến vào đánh chiếm Hải Phòng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn đối với miền Bắc. Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, bằng chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ (năm 1954), miền Bắc được giải phóng. Riêng Hải Phòng lại phải bước tiếp vào cuộc chiến đấu mới - đó là thời kỳ “300 ngày giải phóng quê hương”. Trong thời gian này, cuộc đấu tranh với địch trên các mặt trận kinh tế, chính trị diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, quân và dân Hải Phòng đã đập tan ý đồ phá hoại thành phố Cảng, phá hoại Hiệp định Geneva của thực dân Pháp cùng bọn tay sai và mãi đến ngày 13-5-1955, tên Pháp cuối cùng mới rút khỏi Hải Phòng, thành phố chính thức được giải phóng.
Ngay sau khi thành phố được giải phóng, quân dân Hải Phòng dồn sức khôi phục kinh tế. Nhiều phong trào thi đua thiết thực đã ra đời từ đây, tiêu biểu là phong trào “Sóng Duyên Hải” được khởi nguồn từ Nhà máy Cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng (nay là Công ty TNHH MTV Cơ khí Duyên Hải) được phát động mạnh mẽ và nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của toàn thể cán bộ, công nhân. Duyên Hải ngày ấy trở thành lá cờ đầu của ngành công nghiệp miền Bắc.
Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, sáng kiến khoán sản phẩm trong nông nghiệp cũng được nhen nhóm từ Hải Phòng, cùng với khoán hộ từ Vĩnh Phúc xuất hiện từ thập niên 60, khoán sản phẩm trong nông nghiệp của Hải Phòng đã được phát triển trở thành “khoán 100” rồi “khoán 10”, tạo ra cuộc cách mạng, mang lại nguồn sinh khí mới trong nông nghiệp.
Đặc biệt, trong mấy năm gần đây, Hải Phòng nổi lên là một trong những địa phương năng động nhất của cả nước trong thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng năm 2024 gấp 6,32 lần năm 2010, gấp 3,4 lần năm 2015 và 1,62 lần năm 2020. Hải Phòng là địa phương cấp tỉnh duy nhất của cả nước duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số trong 10 năm liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng năm 2024 đạt 11,01%, cao hơn khoảng 1,55 lần so với bình quân chung cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 9.486 USD/người, gấp hơn 20 lần so với năm 2003.
GRDP quý I-2025 của Hải Phòng tiếp tục đứng vào top đầu của cả nước với mức tăng 11,07% so với cùng kỳ năm trước (gấp gần 1,6 lần mức tăng chung của cả nước). Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng dẫn đầu với mức tăng 12,74%, lĩnh vực dịch vụ tăng 9,40% và nông, lâm, thủy sản tăng 1,52%.
Cơ cấu kinh tế của thành phố tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng hiện đại hóa, đô thị hóa, giảm tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng của các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Trong nội bộ các ngành kinh tế, tăng dần tỷ trọng của các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại theo đúng định hướng, tinh thần chỉ đạo của T.Ư.
Hình mẫu phát triển xã hội chủ nghĩa
Không phải ngẫu nhiên mà TP. Hải Phòng đã được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chọn là địa phương đi đầu trong việc xây dựng mô hình “XHCN gắn với con người XHCN”.
Theo đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: “Hải Phòng đã đạt được những thành tựu mà nhiều địa phương khác chưa làm được khi cùng chung một bối cảnh và thể chế”.
Hải Phòng hiện đang là hình mẫu phát triển XHCN ở Việt Nam. Thành phố luôn kiên định thực hiện chủ trương “Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế” do đó nhiều chính sách của Hải Phòng đi trước, vượt trội so với cả nước, như: phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; hỗ trợ học phí học nghề cho lao động; hỗ trợ cho các đối tượng chính sách luôn ở mức cao so với bình quân cả nước; hết năm 2024, thành phố chính thức không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia… Đặc biệt, Hải Phòng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện miễn học phí cho học sinh các bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT.
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 BCHTW Đảng Khóa XIII, sẽ hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng, lấy tên là TP. Hải Phòng. Sau hợp nhất, TP. Hải Phòng (mới) có diện tích 3.194,7km2 (đạt 212,98% so với tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc T.Ư), quy mô dân số 4.664.124 người (đạt 466,41% so với tiêu chuẩn). Nơi đặt Trung tâm chính trị - hành chính của TP. Hải Phòng (mới) là Trung tâm chính trị - hành chính TP. Hải Phòng đang hoàn thiện hiện nay (ở Thủy Nguyên).
Hải Phòng và Hải Dương vốn có mối quan hệ đặc biệt trong dòng chảy lịch sử. Việc sáp nhập hai địa phương lần này không chỉ là phép cộng đơn thuần về địa giới hành chính mà là cái nắm tay trở lại của lịch sử, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới. Với quy mô và dư địa mới sẽ là đòn bẩy để TP. Hải Phòng (mới) tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng và cải cách hành chính.
Về phương hướng phát triển của TP. Cảng trong thời gian tới, đồng chí Lê Tiến Châu - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cho biết: “Hải Phòng cần tiếp tục phát huy vai trò là đầu tàu kinh tế, tập trung phát triển các lĩnh vực, các mô hình kinh tế mới phù hợp với xu hướng của thế giới như phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát huy các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong đó có hình thành khu thương mại tự do thế hệ mới; đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi, thông thoáng để người dân và doanh nghiệp có thể làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng thành phố ngày càng thịnh vượng.
Sự phát triển của kinh tế sẽ tạo ra nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ công cộng; bảo đảm rằng mọi thành quả phát triển kinh tế đều hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, xây dựng một xã hội đoàn kết và đồng thuận”.
Hải Phòng, thành phố anh hùng trong chiến tranh, năng động, sáng tạo trong đổi mới đang rộng dài, rực sáng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đỗ Phú Thọ