Trong buổi sáng, các đại biểu thảo luận dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB).
Thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án luật này, các đại biểu đề nghị bổ sung các quy định liên quan điều kiện bảo đảm KBCB; tạo cơ sở pháp lý giữa y tế của Nhà nước và y tế tư nhân, cho phép cán bộ y tế tiếp tục làm ngoài giờ theo hợp đồng với các cơ sở KBCB tư nhân để tận dụng chất xám, đáp ứng nhu cầu KBCB của nhân dân, đồng thời tránh tình trạng lạm dụng cơ sở vật chất và uy tín của bệnh viện Nhà nước để phục vụ lợi ích cá nhân. Theo các đại biểu, để phù hợp quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Cán bộ, công chức, trong luật chỉ cấm cán bộ y tế tham gia thành lập và quản lý điều hành bệnh viện tư nhân hoặc các cơ sở KBCB được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã..., tạo điều kiện để sử dụng trình độ chuyên môn, chất xám của cán bộ y tế, nhất là trong tình trạng còn thiếu nhân lực ở các bệnh viện hiện nay.
Ðại biểu Cầm Chí Kiên (Sơn La) đề nghị, bổ sung quy định về điều kiện bảo đảm cho công tác KBCB như: đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, quy định về ưu tiên trong KBCB, các hình thức KBCB đặc thù (nhân đạo, đông y), tuyến y tế, đào tạo và chế độ đãi ngộ cán bộ y tế, cơ chế tài chính và giá dịch vụ KBCB, xã hội hóa y tế, y đức... quy hoạch cơ sở KBCB, tổ chức hệ thống KBCB theo bốn tuyến, xã hội hóa hoạt động KBCB, đào tạo và đào tạo liên tục, đào tạo về y đức và kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, đầu tư nguồn lực cho công tác y tế, giá dịch vụ y tế, quỹ KBCB; tập trung đầu tư cơ sở y tế và nguồn nhân lực cho y tế các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo...
Góp ý về cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, các đại biểu đề nghị nên cấp chứng chỉ hành nghề một lần, nhưng cần có quy định nhằm tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước; vì nếu quy định năm năm cấp lại chứng chỉ hành nghề một lần, sẽ gây tốn kém và phiền phức cho cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như người hành nghề; hạn chế thủ tục xin cho, phù hợp điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước, xu thế cải cách hành chính.
Một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định về y đức để nhấn mạnh sự quan trọng và cần thiết phải chấn chỉnh y đức, vì đây là vấn đề mà dư luận xã hội đang có nhiều bức xúc hiện nay. Trong luật này chỉ nói nghĩa vụ, quyền lợi của bệnh nhân, nghĩa vụ, trách nhiệm chủ yếu của người thầy thuốc, chưa có một chính sách cụ thể nào; do đó sẽ chảy máu chất xám trong ngành y tế trong tương lai. Hiện nay các nước rất muốn bác sĩ, chuyên gia của Việt Nam. Ðề nghị Chính phủ có quy định nghĩa vụ, chính sách để khuyến khích cán bộ y tế về công tác ở vùng sâu, vùng xa và có phụ cấp thỏa đáng.
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục .Các đại biểu đồng tình với nhận xét trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Sau hơn ba năm thi hành, Luật Giáo dục bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu lực thi hành và để phù hợp hơn với thực tiễn. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm đầu tư đồng bộ để trẻ em miền núi được đến trường, để giáo dục mầm non đi vào cuộc sống. Ðại biểu Nguyễn Ðức Kiên (Sóc Trăng) cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng trường lớp và chế độ cho đội ngũ giáo viên, nhất là ở các địa phương nghèo, để tránh tình trạng khi luật đã có hiệu lực nhưng việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Các đại biểu đồng ý với dự thảo bổ sung Ðiều 50 để làm rõ hơn điều kiện thành lập nhà trường và tách quy trình thành lập nhà trường thành hai bước: quyết định thành lập nhà trường và cho phép hoạt động giáo dục để tránh tình trạng nhiều nhà trường sau khi có quyết định thành lập vẫn phải hoạt động cầm chừng vì không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, thậm chí có trường không thể đi vào hoạt động sau khi công bố quyết định thành lập nhiều năm.
Về thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học, vẫn còn hai luồng ý kiến. Một số đại biểu đồng tình với quyết định của luật hiện hành là "Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với trường đại học"; Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại đề nghị sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật: "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo quyết định đối với trường đại học. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trường".
Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK), Dự thảo Luật bổ sung vào Khoản 3 Ðiều 29 trách nhiệm của Bộ trưởng GD và ÐT trong việc quy định tiêu chuẩn về SGK, việc biên soạn, tổ chức dạy thí điểm, thẩm định, duyệt và quyết định chọn sách để sử dụng làm SGK. Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật thể hiện còn đơn giản, cần nghiên cứu đưa vào những quy định cụ thể hơn trong luật về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, bảo đảm giảm tải nội dung SGK, tránh sai sót, dùng được trong nhiều năm.
Về kiểm định chất lượng giáo dục (CLGD), đa số đại biểu QH tán thành việc bổ sung một số quy định về kiểm định CLGD và thành lập các tổ chức kiểm định CLGD ngoài công lập nhằm xã hội hóa và tăng cường tính độc lập của hoạt động này.
Ða số đại biểu thống nhất không cần thiết sửa đổi, bổ sung Khoản 4, Ðiều 38 về thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ. Một số đại biểu đồng ý đề nghị bỏ quy định cấp văn bằng trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt và sửa quy định này theo hướng đào tạo và cấp văn bằng sau đại học công nhận trình độ kỹ năng thực hành, ứng dụng đối với một số ngành chuyên môn đặc biệt.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD và ÐT Nguyễn Thiện Nhân giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm thảo luận như phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục, chăm sóc tốt hơn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục...
P.V