Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018
Kỳ họp lần này, Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội (KTXH). Trong buổi thảo luận về KTXH và ngân sách Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% song cần đánh giá thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn và phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thu ngân sách Nhà nước tăng 2,5% so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách T.Ư khó đạt dự toán. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều trở ngại, nợ công dự báo đến 2020 khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, khả năng trả nợ rất khó khăn, đó thực sự là những thách thức lớn đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.
Do đó trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển KTXH năm 2018 được Quốc hội vừa thông qua đưa ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển hiệu quả thị trường khoa học công nghệ; chống tham nhũng, lãng phí; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Các chỉ tiêu chủ yếu được đưa ra là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5-6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1-1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Tham nhũng ngày càng phức tạp và tinh vi
Bàn về vấn đề tham nhũng, đa số các đại biểu cho rằng trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt phòng chống tham nhũng, nhiều vụ án lớn được phát hiện và xử lý nghiêm mang lại niềm tin cho nhân dân và được cử tri cả nước đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích cho rằng tình trạng tham nhũng hiện nay chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà biến tướng, ngày càng trở nên khó nắm bắt hơn với những thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt các cơ quan chức năng. Phần lớn các vụ tham nhũng lớn được phát hiện là do mất đoàn kết nội bộ, tranh giành địa vị, chạy chức chạy quyền không thành, do đơn thư tố cáo, nhân dân phản ánh, báo chí vào cuộc lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới điều tra, kết luận và xử lý. Do đó nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của ông Lê Minh Khái - tân Tổng Thanh tra Chính phủ: Trong việc chống tham nhũng thì “phòng” tốt hơn “chống”. Phải có hệ thống pháp luật, các quy định, biện pháp chặt chẽ, có tính răn đe khiến cho đối tượng không có cơ hội tham nhũng, thậm chí không có ý định sẽ tham nhũng. Điều đó tốt và hiệu quả hơn rất nhiều so với việc để đối tượng tham nhũng rồi mới tìm kiếm và xử lý.

Chính phủ kiến tạo
Phiên chất vấn Thủ tướng, các thành viên Chính phủ và Chánh án Tòa án NDTC chỉ diễn ra trong 3 ngày làm việc nhưng đây thực sự là những buổi làm việc thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước. Tại phiên chất vấn lần này, các thành viên Chính phủ và Chánh tòa đã tập trung trả lời trực tiếp vào các vấn đề nóng của xã hội đang được dư luận hết sức quan tâm. Sau các phiên chất vấn, ý kiến đánh giá của các đại biểu, cử tri và người dân thể hiện sự hài lòng với cách trả lời chất vấn của các thành viên được chất vấn. Các câu trả lời đi thẳng vào vấn đề. Thông qua trả lời chất vấn, các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án NDTC cũng đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và đại biểu.
Đặc biệt, nhiều đại biểu và cử tri đánh giá cao sự thẳng thắn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trước những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra. Nhiều vấn đề nóng của đất nước được người đứng đầu Chính phủ giải đáp thỏa đáng, đáp ứng được sự kỳ vọng của Quốc hội và cử tri. Từ đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh thông điệp về "Chính phủ kiến tạo", nhưng tại kỳ họp lần này, lần đầu tiên, đích thân Thủ tướng nêu định nghĩa của mình trước Quốc hội. Theo Thủ tướng, Chính phủ kiến tạo phải là Chính phủ chủ động hơn trong xây dựng thể chế, pháp luật chứ không chỉ điều hành trên những gì pháp luật có sẵn. Bộ máy Chính phủ phải năng động hơn, có sáng kiến nhiều hơn, nghiên cứu thế giới xung quanh nhiều hơn để áp dụng cùng với đường lối, chính sách của Đảng, để chủ động tốt hơn, chứ không phải rơi vào thế bị động. Hạt nhân cốt lõi của Chính phủ kiến tạo đầu tiên đó phải là một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế. Nhà nước không làm thay thị trường, những khu vực nào thị trường có thể làm được, doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì Nhà nước không can thiệp, mà thay vào đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm. Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những khu vực các doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư. Chính phủ kiến tạo cũng phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD. Cuối cùng, Chính phủ cũng phải nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Cần xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử… Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng Chính phủ kiến tạo.
Hoàng Linh