Trong vòng sáu năm qua, giá sữa tăng khoảng 30 lần. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, các hãng sữa bột đã ba lần tuyên bố tăng giá. Bên cạnh đó, gần đây xuất hiện tình trạng nhập nhằng, "phù phép" sữa thành các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng... nhằm lách luật trốn thuế, tránh kê khai đăng ký giá để tăng giá, trục lợi. Trước tình trạng đó, các cơ quan chức năng đang xem xét đưa mặt hàng này vào diện kiểm soát giá.

Theo quy định, chỉ có sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi khi bán mới phải kê khai đăng ký giá, chịu sự quản lý của Nhà nước là một kẽ hở để những nhà sản xuất và phân phối sữa tự do tăng giá. Do sản phẩm dinh dưỡng không nằm trong danh mục được bình ổn giá nên không bắt buộc đăng ký khi tăng giá. Do đó, nhà sản xuất và phân phối thường tự ý nâng giá một số sản phẩm sữa đội lốt sản phẩm dinh dưỡng. Tại cuộc tọa đàm trực tuyến mới đây với chủ đề "Thị trường sữa: giá cả và chất lượng" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Phó Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) Phạm Vũ Anh cho biết, trước ngày 1-1-2013, thời điểm Luật Giá có hiệu lực, chúng ta có Pháp lệnh Giá, Nghị định của Chính phủ về quản lý giá. Theo đó, giá sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi là mặt hàng bình ổn giá, khi nhà sản xuất, phân phối điều chỉnh giá bán thì phải đăng ký với cơ quan quản lý. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý rà soát các yếu tố để xem đăng ký giá có hợp lý không, chứ Nhà nước không quản lý giá bán mặt hàng này. Từ 1-1-2013, khi Luật Giá có hiệu lực, mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới sáu tuổi cũng là mặt hàng bình ổn giá, nhưng bản chất có khác là việc đăng ký giá của doanh nghiệp (DN) chỉ là một trong nhiều biện pháp để bình ổn giá khi giá sữa tăng cao bất hợp lý, khi cần thiết thì mới làm. Tức là có sự khác nhau giữa đăng ký giá thời điểm trước và sau khi có Luật Giá.

Ðể quản lý giá, ngay từ đầu năm, khi Luật có hiệu lực, Cục Quản lý giá đã có công văn gửi các Sở Tài chính hướng dẫn lại về quản lý giá, đăng ký giá. Ðến nay, Sở Tài chính của gần 30 tỉnh đã có báo cáo về, các Sở phối hợp với Sở Công thương, các cơ quan thuế đi kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về giá đối với mặt hàng sữa và những sản phẩm dinh dưỡng. Qua đợt kiểm tra vừa rồi, các địa phương kiến nghị phân loại sữa, tập trung vào các loại chủ yếu để quản lý. Luật không thể quy định cụ thể loại sữa, vì tên sản phẩm luôn thay đổi theo sự phát triển của ngành sữa. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính mới đây, Cục Quản lý giá thông báo, Cục đã kiến nghị Bộ Công thương tổ chức họp bàn về quản lý giá đối với mặt hàng trước đây gọi là sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi nhưng nay theo quy chuẩn của Bộ Y tế là thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thức ăn công thức có pha chế cũng như các mặt hàng khác có tác động đến đời sống của đông đảo người tiêu dùng (NTD) cần xem xét nghiêm túc về tên gọi. Cục đã yêu cầu Sở Tài chính các địa phương tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giá; chỉ đạo không tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.

Vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng phải làm tốt từng khâu quản lý sản phẩm nhập khẩu, xác định rõ sản phẩm này là cái gì, thuộc phân loại hàng hóa nào... Khi sản phẩm này đến DN thì DN nào cố tình thay tên đổi nhãn thì cơ quan quản lý thị trường sẽ xử lý. Ðể bình ổn giá các mặt hàng này thì Bộ Y tế cần phải chuẩn hóa tên mặt hàng. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ xem xét có đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng bình ổn giá hay không.

Bên cạnh đó, NTD cần tự bảo vệ mình, khi mua sản phẩm phải tìm hiểu rõ, lấy hóa đơn để khi có tranh chấp thì các cơ quan có cơ sở để xử lý. Bản thân các cơ quan quản lý, các DN Việt Nam kể cả các DN sản xuất, kinh doanh phải định hướng cho NTD. Nếu làm được như vậy thì sữa lậu, sữa kém chất lượng sẽ giảm. Ðương nhiên các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng luật pháp. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ được NTD và làm cho thị trường sữa lành mạnh hơn.

Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) kiến nghị: Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm và kiểm định chất lượng các sản phẩm trên thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi của NTD và của các DN sản xuất chân chính. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) bày tỏ quan ngại, trên thị trường vẫn lưu thông các sản phẩm sữa không nhãn mác, trôi nổi, không rõ nguồn gốc... tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng sức khỏe NTD. Hội kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra thị trường sữa, kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa. Mặt khác, Vinastas cũng khuyến cáo NTD khi mua sản phẩm sữa cần lựa chọn những sản phẩm có uy tín, nhãn mác rõ ràng, hạn sử dụng còn xa, có công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Theo Nhandan

(TH)