Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 (hàng đầu, thứ hai từ phải qua), thị sát tình hình mưa lũ và chỉ đạo công tác cứu hộ, giúp đỡ người dân tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, ngày 11/10.
Đó là lời nói cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV: “Việc thì gấp! Vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm!”. Đây là những lời tâm sự mộc mạc của một vị tướng với anh em trong Đoàn công tác trước thời khắc định mệnh đêm 12 rạng ngày 13-10-2020; âm thanh và hình ảnh được lực lượng cứu hộ tìm thấy trong chiếc máy quay tại hiện trường Trạm kiểm lâm 67, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trở lại câu chuyện, từ ngày 12-10, ngay khi nhận được điện báo sạt lở đất vùi lấp nhiều người lao động ở Thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), lãnh đạo Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu) và Quân khu 4 đã lập tức họp khẩn để chỉ đạo các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, đồng thời cử Đoàn công tác vào hiện trường để tổ chức cứu những người bị nạn. Đoàn do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn chỉ huy (đồng chí Nguyễn Hữu Hùng vừa được Chủ tịch nước truy thăng quân hàm Thiếu tướng). Khi đến khu vực rừng núi gần công trình Thủy điện Rào Trăng 3, phương tiện cơ giới không thể vượt qua được, nhưng Đoàn công tác vẫn quyết định đi bộ, vượt suối, băng rừng để khẩn trương tới hiện trường... Nhưng nước lũ và sạt lở chặn lối, lại đêm tối, mưa rừng không thể đi tiếp, Đoàn công tác đành trú lại ở Trạm kiểm lâm 67 ở giữa rừng... Nửa đêm, vụ sạt lở núi khủng khiếp xảy ra, chỉ có 8 thành viên trong Đoàn công tác chạy thoát, 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh...
Giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp toát ra từ gương mặt dãi dầu sương gió mà rất đỗi hiền từ của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man không chỉ khiến chúng ta xúc động mà còn giải đáp rất nhiều thắc mắc đặt ra về hành động trinh sát hiện trường sạt lở của đoàn công tác. Hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ trong Đoàn quây quần bên nhau trong đêm định mệnh, vừa bàn bạc trao đổi công việc bên bếp lửa, vừa tranh thủ hong áo cho khô đã khiến cho tất cả những ai xem được xúc động khôn nguôi. Trong đêm tối giữa đại ngàn, mặc cho cái đói, cái rét, chủ đề duy nhất mà họ bàn là nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ tìm ra con đường tiếp cận để giải cứu những công nhân Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 đang bị mắc kẹt. Hình ảnh đó như tái hiện hình ảnh hàng chục năm về trước, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, những người lính trinh sát cũng quây quần bên nhau, mặc cho nguy hiểm cận kề, họ chỉ bàn cách tiến về phía trước...
Trong đau thương, mất mát, có người đặt câu hỏi: “Vì sao Đoàn công tác lại mạo hiểm quá như vậy? Tại sao không... chờ cho tình hình ổn định, mọi thứ an toàn hơn thì hẵng trinh sát?”. Một câu hỏi nhân văn, đặt ra khi vụ sạt lở núi thảm khốc xảy ra vùi lấp 13 cán bộ, chiến sĩ! Chúng ta có thể thông cảm cho người đặt câu hỏi này, vì họ có thể chưa hiểu hết lời thề thiêng liêng của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Lời thề đó là nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Khi người dân bị cô lập bởi bốn bề nước lũ, người lính nhận nhiệm vụ là lên đường. Nếu quản ngại gian nguy, mưa lũ miền Trung nhiều ngày không dứt (và cho đến nay vẫn chưa dứt, chưa biết bao giờ mới ổn định), trù trừ một phút, một giây thì không còn là người lính.
Trong số 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, có cố Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, anh từng được báo chí gọi là “người anh hùng Đạ Dâng”. Năm 2014, khi sự cố xảy ra làm sập hầm Thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng), đồng chí Nguyễn Hữu Hùng cũng chính là người chỉ huy cứu nạn, với sáng kiến đục đường hầm bên ngách (dù rất nguy hiểm) đã kịp thời tìm được tiếp cận được khu vực các công nhân mắc kẹt sau khi sập hầm. Ngay từ thời điểm ấy, với sự chân chất của một người lính, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng từng tâm sự: “Chúng tôi không mong mình thành người hùng, lúc công nhân gặp nạn, điều trăn trở của chúng tôi là tìm cách tiếp cận nhanh nhất để cứu người, dù biết công việc này rất nguy hiểm”.
Tâm sự của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng năm 2014 và lời nói cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man đêm 12 rạng ngày 13-10-2020 thể hiện trách nhiệm cao cả của Bộ đội Cụ Hồ. Với các anh và những đồng đội đã hy sinh, đó không phải lời nói cuối cùng mà là tâm nguyện, phẩm chất đã ăn vào máu thịt của Bộ đội Cụ Hồ. Đó là mệnh lệnh trái tim. Lời nói ấy đi vào lịch sử công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thanh Hà