Các thủy thủ trên tàu Stena Impero sau khi tàu này bị Iran bắt giữ, ngày 22-7-2019.
Những động thái khiêu khích lẫn nhau ở vùng Vịnh gần đây khiến căng thẳng ngày càng gia tăng. Mỹ và Iran khiêu khích nhau trên không bằng chiêu bắn máy bay không người lái hay những tuyên bố thù địch. Anh và Iran thử nhau trên mặt biển với chiêu bắt giữ tàu thương mại. Và còn nhiều đòn thử nhau về chính trị, ngoại giao…
Việc Anh lấy lý do Iran bắt giữ tàu hàng treo cờ Anh để kêu gọi thành lập và cử một hạm đội của châu Âu tới Vịnh Persian là nước đi mới và có thể là cái cớ để xiết chặt cấm vận kinh tế với Iran.
Ước tính sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 15 đến 30 tàu thương mại của Anh đi qua vùng Vịnh, nhưng chỉ có 3 chiếc đi qua eo biển Hormuz. Do đó, việc Anh quan ngại các tàu của mình sẽ không lưu thông được an toàn trên vùng biển này là không hợp lý, vì Anh hiện vẫn có các tàu quân sự ở khu vực này để hộ tống tàu của nước mình.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Iran - Ali Rabiei cho rằng đề xuất của Anh thành lập một liên minh hải quân do châu Âu dẫn đầu thực hiện nhiệm vụ hộ tống các tàu chở dầu tại vùng Vịnh là một động thái "khiêu khích". Ngày 28-7, các hãng thông tấn của Iran dẫn lời ông Rabiei nêu rõ: "Chúng tôi nghe thấy rằng họ có ý định phái một hạm đội của châu Âu tới Vịnh Persian. Đây là một thông điệp thù địch, mang tính khiêu khích và sẽ làm gia tăng căng thẳng".
Phía Iran rất có lý. An ninh tại vùng Vịnh phải do các nước trong khu vực này giữ gìn trừ khi tình hình trở nên mất kiểm soát, hoặc có sự vi phạm luật pháp quốc tế. Eo biển Hormuz, tuyến vận tải biển nhộn nhịp nhất thế giới, chỉ rộng 33km nhưng là lối vào phía đông và điểm ra vùng Vịnh, hiện do Iran và Các Tiểu vương quốc Arab (UAE) quản lý.
Cũng chính vì lẽ phải trong việc kiểm soát eo biển Hormuz thuộc về Iran nên đề xuất của Anh về việc thành lập liên minh hải quân cho đến nay chưa nhận được những phản ứng tích cực từ các nước châu Âu. Pháp ngày 25-7 cho biết nước này không sẵn sàng đưa thêm khí tài quân sự đến vùng Vịnh, dù sẵn sàng chia sẻ thông tin và điều phối các khí tài hiện đang được triển khai tại đây. Trong khi đó, quân đội Mỹ tuyên bố đã tiến hành hoạt động giám sát tại eo biển Hormuz và đang tăng cường hoạt động giám sát và an ninh trên các tuyến đường thủy chủ chốt ở Trung Đông.
Các căng thẳng ngoại giao giữa Iran và các nước phương Tây khởi điểm từ việc Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran rồi tái áp đặt các biện pháp cấm vận đối với quốc gia Hồi giáo này. Các nước nằm trong thỏa thuận như Anh, Pháp, Đức ban đầu tìm cách khuyên can chính quyền của ông Donald Trump thì giờ lại có những động thái như đổ thêm dầu vào lửa khi gây khó khăn cho Iran về mặt kinh tế.
Cho dù mâu thuẫn và mục đích với Iran là gì thì luật pháp quốc tế phải được tôn trọng. Đó là, Iran và các quốc gia trong khu vực liên quan có quyền kiểm soát an ninh qua eo biển Hormuz trừ khi có xung đột quân sự hoặc xảy ra mất an ninh nghiêm trọng và cần sự can thiệp của cộng đồng quốc tế.
Các đòn khiêu khích nhau nhằm vào Iran cũng nên được hạn chế bởi trong bối cảnh hiện nay một phép thử nếu không được kiểm soát tốt có thể là nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện và khi đó hậu quả sẽ khôn lường.
Ngọc Hưng