Theo thông lệ, các kỳ họp Quốc hội diễn ra vào cuối năm thường tập trung thời gian xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước… Tuy nhiên trong 33 ngày làm việc chính thức của kỳ họp lần này (từ ngày 20-10 đến ngày 28-11) Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung, banh hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để sớm đưa quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống. Theo chương trình, Quốc hội sẽ dành khoảng 2/3 thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể Quốc hội sẽ xem xét thông qua 18 dự án luật: Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội(sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Căn cước công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân; Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Hộ tịch; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; và 3 dự thảo nghị quyết : Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nghiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Đồng thời Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác. Có thể thấy rằng, đây là kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại một kỳ họp nhiều nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó Quốc hội sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội trước khi bước vào năm 2015, năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Theo bài Báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc thì tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2014 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực trêu hầu hết các ngành, lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, sản xuất công nghiệp có đà tăng trưởng cao, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, khu vực dịch vụ phát triển khá, xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, tiếp tục có xuất siêu, đặc biệt là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Đó chính là những tín hiệu hết sức lạc quan của nền kinh tế nước nhà trong giai đoạn hiện nay.
Một vấn đề quan trọng cũng nhận được sự quan tâm của cử tri và nhân dân đó là Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với mục tiêu phải tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả, dần dần chuyển từ nền giáo dục truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh.
Để góp phần thông tin, tuyên truyền rỗng rãi tới cử tri và nhân dân cả nước về hoạt động của kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ dành 14 buổi (tăng 3 buổi so với kỳ họp thứ 7) để truyền hình, phát thanh trực tiếp trên kênh thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam về các nội dung quan trọng của kỳ họp như: Phiên khai mạc, bế mạc; Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Phiên thảo luận Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13”; Phiên thảo luận về Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Phiên biểu quyết thông qua Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Hoàng Linh