Kéo co có tự bao giờ?, cho đến nay chưa có sử sách nào ghi lại được chính xác nguồn gốc của môn kéo co. Tuy nhiên, tại ngôi mộ cổ của Ai Cập, 2500 năm trước Công Nguyên đã có bức hình ghi lại trò chơi kéo co, nghĩa là ít nhất nó đã xuất hiện từ thời người Ai Cập cổ đại. Chả thế mà ngay từ năm 1916 kéo co đã là một trong những môn thể thao chính của đấu trường Olympic. Thậm chí, ở nước Anh đã thành lập Liên đoàn kéo co từ năm 1958. Hai năm sau thì Liên đoàn kéo co Quốc tế ra đời...

Ở Việt Nam trò chơi kéo co được cả cộng đồng người Kinh, Thái, Tày, Nùng, Giáy... biết đến và chơi ở khắp nơi từ lâu. Nó trở thành trò chơi – môn thể thao phổ biến ở tất cả các lứa tuổi, thậm chí trở thành môn thể thao đương nhiên ở tất cả các hội thi, hội thao thể thao của nhiều địa phương. Ngày 2-12-2015, Nghi lễ trò chơi kéo co truyền thống của Việt Nam, Campuchia, Philippinnes và Hàn Quốc được UNESCO công nhận là Dí sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, người tham gia xây dựng hồ sơ, cho biết: "Nền tảng của văn hoá Đông Nam Á nằm ở rất nhiều trong nghi lễ và trò chơi kéo co. Đấy là sự cầu mong mùa màng tươi tốt, mọi người khoẻ mạnh, xóm làng bình yên. Đó là nền tảng của một văn hoá có từ rất xa xưa rồi”. Ông cho rằng, đối với Việt Nam tầng sâu văn hoá phi vật thể kéo co là tình đoàn kết, cố kết cộng đồng đã góp phần hun đúc nên nền văn hóa Việt Nam - chính vì thế mà giá trị văn hoá phi vật thể của kéo co được tôn vinh.

Đúng vậy, môn kéo co rất đơn giản, ở đâu, lứa tuổi, vị trí xã hội nào cũng chơi được. Nhưng nó là môn chơi của số đông – trò chơi tập thể. Từ người trực tiếp tham gia thi đấu đến trọng tài, giám sát, phục vụ, đến người đứng ngoài xem... tất cả đều náo nức. Đặc biệt, để thắng trong môn chơi này đòi hỏi một tinh thần tập thể, kỷ luật, ý chí, thậm chí nhịp thở của đội cũng phải đều nhau mới tạo thành sức mạnh của tập thể để chiến thắng.

Rất băn khoăn là những năm gần đây “trò chơi đoàn kết” này dường như đang bị mai một! - Ý kiến của một nhà nghiên cứu xã hội học rất có uy tin của nước ta cho rằng, môn chơi kéo co là “hàn thử biểu” dự báo về sự đoàn kết, thống nhất trong ý chí của đơn vị, địa phương.

Phạm Đông