Căn nhà sàn là Homestay của ông Dương Công Chài.
Đây là một loại hình “du lịch xanh” thích hợp với những ai yêu thích khám phá, trải nghiệm văn hóa tại các vùng đất mới. Thay vì ngủ ở nhà nghỉ, khách sạn, du khách sẽ ở tại nhà dân và trở thành một thành viên trong gia đình họ, ăn uống, sinh hoạt chung với người dân để bạn có cái nhìn gần gũi và thực tế hơn về đời sống, văn hóa của nơi mà mình đang đặt chân đến.
**Đồng bào làm homestay dễ hay khó?
**
Trong những năm gần đây, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, mức sống tăng cao, nhu cầu du lịch, nghỉ ngơi cũng theo đó mà được chú trọng. Du lịch đã không còn đơn thuần chỉ là tham quan, nghỉ dưỡng nữa mà người ta ngày càng chú trọng vào việc tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm. Sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hữu tình và nền văn hóa dân tộc đa dạng, các bản làng miền núi, nơi đồng bào DTTS sinh sống có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch Homestay. Theo đó, rất nhiều Homestay của đồng bào DTTS đã hình thành không chỉ thu hút khách du lịch trong nước, mà còn có sức hấp dẫn đặc biệt với khách nước ngoài, những người luôn mong muốn có những trải nghiệm thú vị tại Việt Nam.
Trò chuyện với ông Dương Công Chài, người dân tộc Tày ở thôn Quỳnh Sơn (Bắc Sơn, Lạng Sơn), ông cho biết, năm 2010 Sở Văn hóa tỉnh Lạng Sơn với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng, đã chọn nhà sàn của người Tày và nhà trình tường của người Nùng là hai kiến trúc nhà ở mang đặc trưng văn hóa dân tộc bản địa để giới thiệu đến du khách. Trong thôn này, 5 nhà sàn “cao tuổi” nhất là những nhà lớn, hiện trạng còn tốt đã được chọn để làm du lịch cộng đồng (homestay), trong đó có nhà của ông.
“Ban đầu cũng run lắm, vì có biết du lịch cộng đồng là gì đâu, được cán bộ giải thích, hướng dẫn cụ thể rồi thì lại lo người lạ họ đến ăn ở, sinh hoạt với gia đình mình thì liệu có quen không, có thích nghi được không, rồi liệu có phiền phức gì nữa không... Đủ thứ lo lắng, nhưng được tuyên truyền nên vợ chồng tôi cũng thấy vinh dự vì nhà mình được chọn, được giới thiệu đến mọi người ngôi nhà sàn cổ xưa do chính bàn tay cha ông mình dựng nên. Thế rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy” – ông chia sẻ.
**Bí quyết làm homestay
**
Khi được hỏi về cách làm homestay đối với những bà con dân tộc còn đang bỡ ngỡ trước khái niệm này, ông Chài nói: “Du lịch homestay, khách cũng được xem như một thành viên của gia đình nên mình cũng phải tự thay đổi cách sống để thích nghi với du khách”.
Để làm homestay, gia đình ông đã phải đầu tư làm nhà vệ sinh tự hoại, nhà tắm có ốp lát gạch men sạch sẽ, hiện đại, rồi sắm ti vi, tủ lạnh, máy giặt, lắp nóng lạnh, gồm cả hệ thống nước nóng bằng năng lượng mặt trời để dung hòa với lối sống và thói quen của khách.
“Thật sự những thiết bị hiện đại này trước đây gia đình không dùng, thậm chí như cái nóng lạnh năng lượng mặt trời còn chả biết đến nó là cái gì. Nhưng rồi cán bộ họ xuống tư vấn, giải thích cách hoạt động, rồi hiệu quả tiết kiệm điện... thấy cũng là cái mới mẻ, tiến bộ nên học hỏi làm theo” – ông bộc bạch.
Ông còn cho lắp hệ thống wifi internet vừa để phục vụ du khách vừa tiện cho việc khai báo tạm trú online. Trước đây khi chưa có internet thì việc khai báo tạm trú của khách ở qua đêm rất vất vả; hàng ngày cứ tối đến là ông phải kê khai vào phiếu và đem lên xã nộp. Bây giờ có internet, được công an xã đến tận nơi hướng dẫn làm thủ tục khai báo tạm trú online rất thuận tiện.
Không chỉ học hỏi công nghệ, tìm hiểu để đầu tư lắp đặt các trang thiết bị gia dụng hiện đại, gia đình ông Chài còn phải học cả cách làm những món ăn mà theo như bà nói là “cả đời này chưa bao giờ được nếm thử”.
Khi khách nước ngoài biết đến Bắc Sơn ngày càng nhiều, các công ty du lịch họ liên hệ những gia đình làm du lịch cộng đồng, hướng dẫn cách làm một số món cơ bản như làm bánh crepe, trộn salad, hay các món chay... để phục vụ khách.
Một điều quan trọng nữa là mình cần phải cư xử chân thành, nhiệt tình thì khách nào cũng nhớ, rồi họ lại giới thiệu người đến sau. Khách đi rồi quay lại cũng nhiều, đặc biệt có hai bà khách đi du lịch khắp nơi ở Việt Nam, trước khi về nước họ còn quay lại chơi và chào ông bà. Hoặc lại có những khách đã đến ở một lần, rồi lần sau quay lại, đông khách không còn chỗ ở thì họ bảo: “ngủ đâu cũng được, cứ có cái chiếu cái quạt là được”.
Lê Na