Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Trong hoàn cảnh cùng lúc phải chống lại cả “thù trong, giặc ngoài”, T.Ư và Bác Hồ với tầm nhìn xa, trông rộng vẫn quyết định chỉ đạo triệu tập Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) toàn quốc vào ngày 3-12-1945. Đây được xem như là Hội nghị đại biểu DTTS toàn quốc đầu tiên của nước ta.
Diễn văn khai mạc, Bác nói: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các DTTS được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa. Trước kia để giành độc lập các dân tộc phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”.
Cũng trong ngày, Bác viết Thư gửi đồng bào DTTS. Người thông báo rằng ngày 3-12-1945 “Là một ngày rất vẻ vang cho nước Việt Nam… Hơn 20 dân tộc họp lại một nhà, tay bắt mặt mừng rất là thân ái. Đó là một Đại hội xưa nay chưa từng có, một cuộc thân thiện làm cho cả nước vui mừng” (Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, t.3, tr. 81)
Hơn 4 tháng sau, ngày 19-4-1946, Bác gửi Thư cho Đại hội các DTTS miền Nam tại Plây Ku (Gia Lai). Bác viết, có đoạn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…” - đúng như câu trong đoạn mở đầu bức thư Bác viết: “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào” (HCM: TT, t.4, tr.249, 250)
H.T