Hội viên CCB làm thủ tục vay vốn ưu đãi tại Điểm giao dịch xã.
Hiện có 25/30 Hội cơ sở huyện Bố Trạch đang nhận ủy thác vay vốn của Phòng giao dịch NHCSXH huyện. Hội trực tiếp quản lý 62 tổ tiết kiệm và cho 2.411 hộ gia đình vay vốn. Tổng số tiền dư nợ đạt trên 63 tỷ đồng. Hội vận động các hội viên trong tổ tiết kiệm và vay vốn hình thành thói quen tiết kiệm chi tiêu, tích lũy hằng tháng gửi tiết kiệm để tạo nguồn tích lũy khi gặp khó khăn và trả nợ, trả lãi ngân hàng khi đến hạn.

Nhờ kiểm tra sát sao, nhiều mô hình kinh tế được hình thành nhờ vốn vay ưu đãi, như mô hình của CCB Nguyễn Ngọc Hiền, thôn Phúc Đồng 1, xã Phúc Trạch, được vay 40 triệu đồng vốn ưu đãi. Ban đầu, anh mua cây tiêu, gà con về trồng và chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, trang trại của gia đình ngày một phát triển và mở rộng. Hiện trang trại nuôi hàng trăm con gà, hơn 700 gốc cây tiêu, mang lại thu nhập ổn định. Còn CCB Lê Văn Hiền ở thôn Phúc Đồng, xã Phúc Trạch cũng là hộ nghèo, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, lại nuôi 4 con đang tuổi ăn học, được vay 50 triệu đồng, anh đã khai khẩn, cải tạo đất đồi trồng keo, tiêu, chăn nuôi lợn, gà. Nhờ đó, gia đình anh đã có 2ha keo, 1ha tiêu, hàng trăm con lợn, gà… Vậy là nhờ 50 triệu đồng vốn vay, từ hộ nghèo nay CCB Lê Văn Hiền mỗi năm thu nhập trung bình hàng trăm triệu đồng.

Đồng chí Phan Văn Hiếu - Chủ tịch Hội CCB huyện Bố Trạch phấn khởi cho biết: “Để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, cán bộ hội viên thường xuyên tổ chức gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay. Hằng năm, Hội bình xét hộ gia đình CCB có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gương sản xuất, kinh doanh giỏi từ sử dụng vốn vay để tuyên truyền nhân rộng. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhiều CCB đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương”.

Thúy Hương