Tuy thường là những vai hề đồng, hầu phòng; vị trí là hề, công việc là đi hầu: Hề mồi, hề gậy, hề nhất, hề nhị, hề tam, hề tứ cho đến hề thập, hề nhân, hề chanh, hề chóp... Nhưng mỗi cái tên hề cũng đã mang một nội dung vận dụng “điển cố” nhằm đả kích thói đời bon chen, vị kỷ, bạc bẽo, bất nhân...

Các nhà xã hội học nước ta đã xếp hề chèo là “văn hóa phản biện cao cấp”, có một không hai của sân khấu Việt Nam, nó đóng góp một giá trị đặc biệt cho sân khấu thế giới.

Một ông quan “mũ cao, áo dài” bỗng trở thành bầy hầy trong mắt anh hề. Quan bỗng trở nên cũng giống như một chú hề. Tuy nhiên đó là những quan, hoặc là gian lận nhũng nhiễu, hoặc là “trăng hoa” sa đà... với vô vàn tật xấu hiện ra qua miệng, qua mắt anh hề.

Nhưng quan không bao giờ dám đánh đuổi hề mà chỉ phẩy tay nhắc nhở. Quan ấy nếu là “liêm”, quan không động lòng; Quan ấy có thể là “hư” nhưng quan không dám trị ngay kẻ nhìn thấy tim đen của mình, mà vẫn phải tỏ vẻ cao đạo mực thước. Đó chính là “ngôn ngữ” của sự im lặng mang tính triết lý trong đời thực được đưa vào sân khấu nghệ thuật thông qua miệng chú hề.

Hề chèo có vai trò đặc biệt của kẻ phản biện công khai trong thời phong kiến. Ít ra sân khấu chèo có anh hề dám chỉ mặt cái giả dối trong tầng lớp quan lại, một loại phản biện gián tiếp qua hình thức sân khấu. Nó như lời cảnh báo, nhắc nhở người làm quan cần giữ gìn tư cách, nhân phẩm như thế nào.

Mềm mà cứng, nghiêng mà thẳng, phụ mà chính, đùa mà thật, không chính danh mà danh chính. Đó là nỗi lòng của người bị áp bức mượn vai phụ của sân khấu để bộc lộ phản ứng. Người ta tưởng hề là mua vui. Nhưng hề vậy mà không phải vậy!

Phạm Đông