Ngày 30-6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh, Cao ủy về Thương mại của EU - Cecilia Malstrom và Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Rumani - Stefan-Radu Oprea đã ký Hiệp định EVFTA.
Sau hai ngày thảo luận tại T.P Osaka (Nhật Bản), Hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới cùng 8 quốc gia khách mời (G20) đã ra Tuyên bố chung nêu rõ, họ sẽ thúc đẩy thương mại "tự do, công bằng và không phân biệt đối xử" cũng như cam kết sử dụng "tất cả các công cụ chính sách" để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu giữa lúc có nhiều rủi ro tiêu cực. Đó là mặt tích cực có thể thấy rõ trong xu hướng hợp tác toàn cầu hiện nay. Thế nhưng, việc dựng lên các rào cản thuế quan, dùng sức mạnh kinh tế để gây áp lực lấy lợi về mình cũng là phần hiện hữu ở một nửa kia của thế giới.
Thế giới nhìn về góc độ kinh tế chưa bao giờ bị phân chia ra hai nửa rõ rệt như hiện nay.
Đơn cử, ngoài Tuyên bố chung của G20 năm nay cam kết thúc đẩy tự do thương mại, ngay trong chiều 30-6 sau khi G20 kết thúc thì Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) tại Hà Nội. Phát biểu sau khi chứng kiến Lễ ký kết hai Hiệp định trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Ngày 30-6-2019 là một ngày đặc biệt, mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam - EU. Chúng ta vừa chính thức ký 2 Hiệp định quan trọng là EVFTA và EVIPA, mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, EU với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nằm cách xa nửa vòng trái đất để làm đối tác. Thủ tướng nhấn mạnh, sự liên kết, tổng hòa các hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, sự hợp tác hai bên mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược của cả Việt Nam và EU - là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau - cùng hợp tác, cùng có lợi và cùng phát triển hướng về tương lai tươi sáng, đóng góp cho sự phát triển bền vững và cho hòa bình, ổn định và phát triển.
Việc EU ký kết hai hiệp định trên với Việt Nam là minh chứng rõ nét của việc thúc đây thương mại tự do, công bằng và không phân biệt đối xử như mong muốn của G20. Thế nhưng, cũng tại G20, tâm điểm của sự chú ý lại nhằm vào cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Mỹ - Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thực ra, cuộc chiến này chỉ là hậu quả không thể tránh khỏi của chính sách kinh tế song phương của Mỹ. Thay vì tuân thủ theo những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chính quyền của ông Trump lại áp dụng chính sách “đập đi xây lại” khi yêu cầu đàm phán song phương lại các thỏa thuận kinh tế với các nước. Với “vũ khí tăng thuế quan” của nền kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới, Mỹ đương nhiên có lợi thế khi đàm phán song phương và các quốc gia phải ngồi đàm phán với Mỹ ắt chịu thua thiệt, trái với mong muốn về một nền thương mại “tự do, công bằng và không phân biệt đối xử” của G20. Có thể thấy rõ Mỹ đang hưởng lợi từ chiến lược này của mình nhưng cái lợi đó là lợi cho riêng Mỹ chứ không mang lại lợi ích chung cho thương mại toàn cầu, nhất là với các nền kinh tế nhỏ.
Chỉ có một trái đất nơi mà các quốc gia đang thảo luận để tăng cường liên kết, hợp tác, phát triển để đương đầu với thách thức chung của nhân loại. Vậy mà, trong Tuyên bố chung của G20, 19 thành viên, ngoại trừ Mỹ, nhất trí "không thể đảo ngược" thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết thực thi đầy đủ thỏa thuận này. Cách làm hiện nay của chính quyền Mỹ cho thấy họ đang tự tách mình ra khỏi xu hướng chung, tự tạo ra một thế giới cho riêng mình.
Ngọc Hưng