Trung tướng PHÙNG KHẮC ĐĂNG, Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam

Việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thể hiện quyết tâm phát huy tinh thần làm chủ, trí tuệ, tâm huyết, ý chí, nguyện vọng của của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân có nhiều điểm mới rất đáng ghi nhận, phù hợp với các quy định và chuẩn mực quốc tế về quyền con người.

Xuất phát từ quan điểm Nhà nước của dân, do dân và vì dân, chương "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" (được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V - Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của Hiến pháp 1992), nay được đưa lên Chương II trong bản Dự thảo, ngay sau chương "Chế độ chính trị" như cấu trúc của Hiến pháp năm 1946. Việc thay đổi đưa trở về Chương II là hợp lý, thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước với quyền con người và quyền công dân, phù hợp với tiến trình dân chủ ngày càng được mở rộng, đồng thời thể hiện rõ nét tư tưởng, quan điểm của Đảng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH là: "Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển".

Bên cạnh đó, việc bổ sung chế định hiến định về quyền con người (đây là nội dung mới) cùng với quyền công dân, đồng thời thay đổi tên gọi của chương. Tên gọi của chương liên quan đến quyền con người, quyền công dân trong tất cả các bản hiến pháp Việt Nam từ trước đến nay chỉ là "Nghĩa vụ và quyền lợi công dân" (Hiến pháp năm 1946), hoặc là "Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân" (Hiến pháp năm 1959), hoặc là "Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" (Hiến pháp năm 1980, 1992). Đến lần sửa đổi này thì tên gọi là "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân". Việc đổi tên chương theo tôi là hợp lý vì đã hàm chứa được các nội dung của chương, đồng thời phân biệt được rõ ràng quyền con người và quyền công dân.

Trong bản Dự thảo đã bổ sung thêm một số quyền mới và quan trọng mà Hiến pháp 1992 còn thiếu, đó là các quyền: Quyền được sống (Điều 21); quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật (Khoản 3, Điều 22); người bị buộc tội có quyền được toà án xét xử (Khoản 2, Điều 32); quyền hưởng thụ các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hoá, sử dụng các cơ sở văn hoá, tiếp cận các giá trị văn hoá (Điều 44); quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp của công dân (Điều 45) và quyền của mọi người được sống trong môi trường trong lành (Điều 46).

Chương này có sự thay đổi quan trọng trong ngôn ngữ thể hiện giúp phân biệt rõ đâu là chủ thể của quyền con người, đâu là chủ thể của quyền công dân. Đó là các cụm từ "Mọi công dân có quyền", hoặc là "Mọi người có quyền". Ví dụ: Khoản 1, Điều 25 quy định "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo" chỉ ra đây là quyền con người; Điều 26 quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật" chỉ ra quyền này thuộc về quyền công dân. Ngoài ra, việc sắp xếp lại trật tự, thứ tự các quyền cũng lô-gíc, khoa học hơn và lời văn của nhiều điều trong chương này cũng ngắn gọn, xúc tích hơn so với Hiến pháp năm 1992.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng trong Chương II của Dự thảo có các quy định về giới hạn quyền là chưa phù hợp với các quy định và chuẩn mực quốc tế về quyền con người và quy định quá nhiều nghĩa vụ một cách tuỳ tiện. Tôi cho rằng cần thiết phải có các chế định hiến định về giới hạn quyền con người, quyền công dân, và việc quy định các nghĩa vụ công dân như trong Dự thảo là hợp lý.

Việc thành lập Uỷ ban Quốc gia về Quyền con người hoạt động độc lập là không cần thiết vì bất cứ quyền nào đã được ghi nhận trong Hiến pháp thì Nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện. Việc cụ thể các quyền bằng luật để người dân có cơ sở thực hiện quyền của mình cũng là một trách nhiệm của Nhà nước.

Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa chế định hiến định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong dự thảo, tôi xin góp ý thêm một số vấn đề sau:

  1. Trong nhiều điều tại Chương II của Dự thảo sửa đổi đã không còn cụm từ như "Nhà nước bảo đảm", "Nhà nước bảo hộ", "Nhà nước tạo điều kiện" như trong các bản hiến pháp trước đây. Việc thay đổi này dẫn đến những nhận thức, cách hiểu khác nhau về trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân. Ví dụ, Điều 38 Dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56 Hiến pháp năm 1992) bỏ quy định "Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động" sẽ đặt ra câu hỏi vậy thì khi hiến pháp sửa đổi có hiệu lực, Nhà nước còn có trách nhiệm tạo việc làm cho người lao động nữa hay không?

  2. Mặc dù tại Khoản 2, Điều 20 Dự thảo quy định rõ "Quyền và nghĩa vụ của công dân do hiến pháp và luật quy định" nhưng trong một số điều của Chương II vẫn còn cụm từ "theo quy định của pháp luật". Ví dụ, Điều 24 quy định "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật". Quy định như vậy vừa không đảm bảo sự lô-gíc, thống nhất giữa các điều trong Hiến pháp, vừa hạn chế việc thực hiện quyền công dân bằng văn bản dưới luật do các cơ quan nhà nước (không phải là Quốc hội) ban hành. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thay cụm từ "theo quy định của pháp luật" bằng cụm từ "theo quy định của luật" trong các điều của chương này.

  3. Khoản 2, Điều 15 quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ của cộng đồng". Theo tôi, quy định này chưa thật chặt chẽ, có thể bị vận dụng nhằm hạn chế quyền con người, quyền công dân theo ý muốn chủ quan của cơ quan, cá nhân khi áp dụng. Bởi lẽ, nhận thức của mọi người không phải lúc nào cũng thống nhất, thực tiễn sẽ phát sinh cùng một trường hợp cụ thể, trong cùng hoàn cảnh cụ thể, cơ quan, cá nhân này cho là "trường hợp cần thiết", cơ quan, cá nhân khác lại xác định là "trường hợp chưa cần thiết". Mặt khác, các lĩnh vực có thể bị hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định trên là rộng (bao gồm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ của cộng đồng). Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thu hẹp lại.

  4. Quy định tại Khoản 2, Điều 33 của Dự thảo "Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ" là chưa đầy đủ, sẽ phát sinh vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Bởi theo quy định tại Điều 248 Bộ luật Dân sự: "... chủ sở hữu có quyền chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng, cho, cho vay hoặc thông qua việc để thừa kế...". Như vậy, ngoài quyền thừa kế, chủ sở hữu còn có các quyền tặng, cho, trao đổi, cho vay..., trong khi đó, Khoản 2, Điều 33 của Dự thảo chỉ quy định quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung. Theo chúng tôi, Khoản 2, Điều 33 có thể được thể hiện như sau: "2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền chuyển giao quyền sở hữu được pháp luật bảo hộ".

P.K.Đ