Chuyện con phà của một tư nhân ở xóm Chùa, thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, sáng ngày 23-12 chở 20 khách là người địa phương qua sông Trường Giang, gần đến bờ thì bị chìm nghỉm, nghe đến rùng rợn!

Mặc dù sau đó vài giờ, cả người và phương tiện đã được cứu thoát, nhưng vụ đắm phà vẫn khiến dư luận băn khoăn, thậm chí phẫn nộ! Bởi lẽ, cuộc cứu hộ, cứu nạn được nhanh chóng, an toàn là do nhiều yếu tố may mắn. Trước hết là chuyến phà không có người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai đi; tất cả hành khách kể cả người lái quen sống trong sông nước rồi, nên đi phà đều mặc áo phao theo quy định; lưu tốc sông Trường Giang phụ thuộc vào triều cường từ hai cửa biến, lúc phà bị đắm nước chảy ngang và cạn...

Tóm lại, rất nhiều may mắn do khách quan mạng lại mà chuyến phà chìm không để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng - nhất là không dẫn đến chết người. Nhưng “chiếu xét” vào trách nhiệm của chính quyền và công tác quản lý phà còn rất nhiều khâu phải được chấn chỉnh. Theo báo cáo bước đầu của các ngành chức năng, thì chuyến phà hoàn toàn hợp pháp; đủ điều kiện về kỹ thuật, an toàn vận tải; kể cả  người lái phà cũng bảo đảm đủ các tiêu chuẩn hành nghề...

Tất cả đều bảo đảm an toàn, hợp pháp, trong khi “sóng yên, sóng lặng”, vậy sao tai nạn xảy ra? Rõ ràng nguyên nhân ở khâu kiểm tra, kiểm định đã chưa được làm tốt. Đáng trách nữa là do điều kiện tự nhiên mà nhân dân thôn Xuân Mỹ nói riêng, “ốc đảo” xã Tam Hải nói chung hằng ngày phải thường xuyên đi đò, đi phà, nhưng qua vụ tai nạn cho thấy, đò, phà chưa bảo đảm.

Nhân dân cũng phản ánh, thôn Xuân Mỹ sống trên 3 cụm đảo nhỏ nên giao thương bằng đò, phà là phương tiện chính, vậy mà hiện thôn chỉ có một bến, một phà nên phải chờ đợi lâu, khiến việc đi lại khó khăn và không phải không có tình trạng phà chở quá số người và hàng hóa theo quy định.

Nhật Huy