Tôi cứ suy nghĩ mãi là có nên im lặng, không viết gì về “vụ án chuyến bay giải cứu” nữa!

Tôi muốn im lặng. Vì đã viết là có thể mình không nén được cảm xúc; không thể kiềm chế được... Đúng là khó thật. Sao có thể kiềm chế được, khi viết về tội ác của những người nhẫn tâm đến mức “giật nốt” sợi dây mong manh của chính những người là đồng loại của mình, mà sự sống đang như “ngàn cân treo sợi tóc”; những người đang hoảng loạn vì sắp phải chết ở xứ người. Những người thậm chí chỉ còn cầu mong, được chết ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình...

Thế mà họ đang tâm làm được - họ lại là những người được tổ chức giao cho những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần cứu giúp những người đang “ngàn cân treo sợi tóc” ấy! Hơn thế nữa, họ còn hầu hết là đảng viên; là cán bộ được giao nắm giữ những vị trí chủ chốt của công việc!

Mà rất ô nhục, kể cả trong Toà xét xử, vẫn có người không nhận ra tội lỗi của mình; còn tiếp tục đổ lỗi cho nhau; thậm chí làm người nghe thấy “vẫn ráo hoảnh sử dụng nghiệp vụ để trốn tội”. Nếu đúng thế thì đồng nghĩa với đổ tội cho đồng đội của họ. Bớt đi. Tốt hơn là đừng khóc; đừng nói về tình nghĩa; về tình anh em kết nghĩa; anh em thương nhau... cho giúp người khác nghe bớt rờn rợn!

Cứ nghe Toà luận tội; cứ nghe họ nói, thì dường như họ hết sức xa lạ với tình người, tình đồng chí, tình đồng đội - chứ chưa nói đến đạo đức, nhân cách của con người nói riêng, đạo đức của người cách mạng, đạo đức của người công vụ nói chung...

Vậy sao lâu nay mặt trái đó của họ vẫn che được tổ chức?  

Tuy đau xót, nhưng đây thực sự là bài học cần thiết. Và sẽ là bài học rất quý - nếu chúng ta nghiêm khắc nhìn nhận, soi vào, trước hết là cho công tác tổ chức, xây dựng Đảng; công tác lý luận, công tác giáo dục, công tác đào tạo, thử thách, sử dụng cán bộ...

Huy Thiêm