Lễ hội là môi trường của đồng bào Tây Nguyên để cồng chiêng phát huy giá trị.
Theo quan niệm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, âm thanh của cồng chiêng có khả năng thông đạt đến các thần linh, có thể gọi thần tốt đến và nhờ sự trợ giúp của họ xua đuổi điều xấu. Chính vì thế, người dân nơi đây dùng cồng chiêng trong các nghi lễ, lễ hội để ứng xử với thiên nhiên; cầu xin, giãi bày với thần linh, tổ tiên, đối thoại với cộng đồng và với chính mình. Âm thanh cồng chiêng mỗi khi đánh lên trong từng nghi lễ, lễ hội cụ thể mới thể hiện được thông điệp với cộng đồng, buôn làng, cầu nối với Yàng và thần linh; bằng không, cồng chiêng chỉ dựng lại như một nhạc cụ thuần túy, khiến người nghe cũng như người trong cuộc không lĩnh hội hết được giá trị của nó.

Gắn cồng chiêng với nghi lễ, lễ hội để bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được các tỉnh Tây Nguyên thực hiện nhiều năm nay theo “tinh thần UNESCO” đã tạo “sức đề kháng” cho văn hóa truyền thống trong xu thế hội nhập và phát triển. Đồng thời, thông qua các lễ hội truyền thống, thể hiện mong ước của con người được khỏe mạnh, may mắn, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, buôn làng yên vui, mọi người gặp gỡ, giao lưu sau những ngày lao động vất vả. Ngoài ra đây cũng là dịp để mỗi con người, cộng đồng được giao hòa với thế giới tâm linh và thực tại, giữa người với người, giữa người với thiên nhiên; đem lại đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc, niềm tự hào, hạnh phúc, yêu thương, nhân ái.

Già làng Y Jun, nghệ nhân tỉnh Đắk Nông cho biết: “Trong mỗi lễ hội, cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người nói chuyện với thần linh, giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng. Tiếng chiêng không thể thiếu trong các nghi lễ của người M’nông”.

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nằm trong không gian tâm linh, nghi lễ cụ thể. Ở đó, khi tiếng chiêng cất lên, mọi người sẽ biết và nhận ra chủ nhân của nghi lễ ấy đã gửi đi thông điệp gì, mong muốn điều gì. Các nghi lễ được phục dựng, tái hiện còn góp phần quảng bá hình ảnh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Hiện nay, ở Tây Nguyên, lễ hội cồng chiêng được tổ chức hằng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch ăn khách.

Lập Phương