**Trần Đăng Khoa:**Chưa hẳn đâu cháu ạ. Những chữ hay và hấp dẫn là những chữ được đặt đúng chỗ. Nếu ở đúng vị trí, một chữ rất bình dị, rất thông thường vẫn hay vô cùng, vẫn có thể hấp dẫn hơn những con chữ óng nuột hoa hoè hoa sói nhưng lại vô hồn lại khập khiễng vì ở không đúng chỗ. Cháu có biết câu thơ này của ông Quang Dũng không : Giày vải Bác Hồ phơi bờ ao.

Câu thơ ấy chả có chữ nào hay, cả câu thơ cũng vậy, không có gì đặc biệt, nó chỉ là một cái tin mang tính thông tấn. Thế mà đặt trong bài lại hay vô cùng, nó gợi cả một thời kháng chiến gian khổ. Ta thấy được cả vẻ đẹp của Bác, sự giản dị của Bác, trong mối quan hệ thật gần gũi, gắn bó giữa lãnh tụ và dân chúng cần lao.

Mấy từ cháu mang ra bàn với chú kia là những từ địa phương. Nó chả có tội vạ gỉ đâu cháu ạ. Nó vẫn có thể rất hay nếu cháu đặt đúng chỗ. Ví như cháu viết một đoạn văn, kể một câu chuyện gì đó mà nhân vật là ngừơi xứ Nghệ chẳng hạn. Người Nghệ thì không thể nói như người ở các địa phương khác, càng không thể nói như người Hà Nội.

Bác Nguyễn Minh Châu có một truyện ngắn rất hay mà các nhà phê bình không để ý. Bạn đọc nhiều người cũng không để ý. Cái truyện bị loại ra khỏi mấy tuyển tập của Nguyễn Minh Châu. Nhưng nó lại là một tác phẩm đặc sắc của nhà văn. Đó là truyện Mẹ con chị Hằng. Một bà mẹ Nghệ An ra Hà Nội thăm cháu. Các con cứ đứa này đẻ rồi đứa khác đẻ. Bà cụ quanh năm quay cuồng nuôi hết đứa cháu này lại đến đứa cháu khác. Các con cứ thay nhau giành giật bà như giành giật một con ở. Ta cứ hồn nhiên bất nhẫn với mẹ già mình mà lại cứ tưởng là mình hiếu thảo với mẹ.

Truyện rất cảm động, đọc ứa nước mắt. Thương bà cụ vô cùng. Đã mấy chục năm rồi, bây giờ cứ nói đến nhà văn Nguyễn Minh Châu là chú lại nhớ đến nhân vật của bác Châu, là bà cụ xứ Nghệ này, nhớ cả cái câu nói cửa miệng của bà cụ, một câu nói rặt những từ địa phương của quê cháu: "Nào tau có biết chi mô"

Chú chào cháu Thanh Nhàn nhé!

TĐK