Như vậy sau nhiều nỗ lực của các nhà thầu, chủ đầu tư cùng với những quyết sách tháo gỡ khó khăn kịp thời của Chính phủ và các cơ quan liên quan, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã được bàn giao cho đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành là Công ty TNHH 1 thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Trước đó, ngày 29/5, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã ký văn bản nghiệm thu cho phép công trình được đưa vào hoạt động.
Theo ông Nguyễn Hoài Giang,Tổng Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, hiện Nhà máy đang vận hành 100% công suất thiết kế, sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng. Trong thời gian qua, Công ty đã soạn thảo, ban hành 906 quy trình vận hành, 131 quy trình bảo dưỡng, 70 quy trình an toàn và 276 quy trình cho phòng thí nghiệm của Nhà máy.
Nhiệm vụ ưu tiên trước mắt là Công ty sẽ tập trung bảo đảm vận hành an toàn, ổn định, sau đó nâng cao hiệu suất hoạt động của Nhà máy và kết nối với Dự án hóa dầu Polypropylene.
Do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là công trình có công nghệ hiện đại trong khi đó, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho cán bộ, kỹ sư, nhân viên của Công ty là phải nỗ lực nhiều hơn nữa để vận hành Nhà máy ổn định, an toàn.
Ông Nguyễn Hoài Giang cũng cho biết, 141 kỹ sư, chuyên gia nước ngoài sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác vận hành Nhà máy trong giai đoạn đầu cho đến khi các kỹ sư của Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ này, thời gian khoảng 2 năm.
Cũng theo ông Giang, trong tháng 6 tới sản phẩm xăng Jet A1 dành cho máy bay sẽ được xuất xưởng. Khi Nhà máy vận hành 100% công suất, Công ty sẽ chủ động trong việc cung cấp các sản phẩm ổn định cho thị trường.
Việc tiếp nhận quản lý và đưa vào vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới của ngành Dầu khí Việt Nam trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đồng thời khẳng định năng lực vận hành các dự án lớn, có trình độ công nghệ cao của cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ngành Dầu khí Việt Nam.
Theo VGP
Nguyễn Hoàng