• Đại đoàn 312, được tăng cường 2 đại đội sơn pháo 75mm, 2 đại đội cối 120 ly, 1 đại đội cối 82mm, tiến công tiêu diệt các cứ điểm: Đồi E, D1, D2, trận địa pháo binh địch ở 210 và một bộ phận của Tiểu đoàn dù 5 ngụy. Sau đó tổ chức trận địa đánh địch phản kích và dùng hỏa lực uy hiếp khu vực Mường Thanh.
  • Đại đoàn 316 (thiếu 1 trung đoàn), được tăng cường 2 đại đội sơn pháo 75mm, 2 đại đội cối 120 ly, 2 trung đội cối 82 ly, tiến công tiêu diệt các cứ điểm A1, C1, C2, phối hợp với Đại đoàn 312 tiêu diệt Tiểu đoàn dù 6 ngụy. Tổ chức đánh địch phản kích và dánh địch ở Mường Thanh.
  • Đại đoàn 308, tiêu diệt Tiểu đoàn Thái số 2 và trận địa pháo địch ở phía Đông; hiệp đồng với Đại đoàn 316 tiêu diệt Tiểu đoàn dù 6 ngụy. Sau đó đánh địch phản kích, dùng một bộ phận công kích cứ điểm 106 và 310; đồng thời bố trí lực lượng đánh địch nhảy dù và chặn viện ở phía Tây Nam Mường Thanh.
  • Đại đoàn 304 (thiếu 2 trung đoàn) được tăng cường Tiểu đoàn 888 (Đại đoàn 316), 1 đại đội pháo 105 ly, 1 đại đội cối 120mm, 4 khẩu cối 82 ly, 18 khẩu súng máy phòng không 12,7 ly, nhiệm vụ kiềm chế trận địa pháo binh ở Hồng Cúm và chặn địch ở Hồng Cúm lên Mường Thanh, tiêu hao quân địch nhảy dù xuống Hồng Cúm.
  • Trung đoàn pháo 45, trực tiếp chi viện cho các đơn vị đánh chiếm đồi các K, D1, D2, C1, C2 và A1, chế áp và phá hủy một phần trận địa pháo binh địch, tieu hao lựclượng cơ động của địch ở Mường Thanh...
  • Trung đoàn pháo cao xạ 367 đánh cho địch những đòn bất ngờ, bảo vệ bộ binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm.
    Hồi 18 giờ 30 phút ngày 30-3, đợt tiến công thứ hai bắt đầu. Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Vũ Lăng tiến công cứ điểm C1, đã nhanh chóng làm chủ hoàn toàn trận địa, diệt và bắt sống 140 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) sử dụng 2 Tiểu đoàn 16 và 428 đánh chiến đồi E, sau hơn một giờ chiến đấu cũng dứt điểm mục tiêu. Cứ điểm D1 bị tiêu diệt gọn. Thừa thắng, Đại đoàn 312 đánh sang cứ điểm D2 và phát triển đuổi địch chạy về phía sông Nậm Rốm.
    Trên đồi A1, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) mất liên lạc do đường dây thông tin bị đứt. Khi thấy cứ điểm C1 bị tiêu diệt, pháo chuyển làn bắn vào A1 thì Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chủ động cho đơn vị vào chiến đấu. Nhưng địch tập trung hỏa lực ngăn chặn. Cuộc chiến đấu giằng co tới sáng ngày 31-3. Qua một đêm tiến công, bộ đội ta tiêu diệt các cứ điểm C1, D1, E. Buộc địch kéo pháo rút khỏi cứ đểm 210, lui quân trên đồi E. Sáng ngày 31-3, Đờ-cát tung quân phản kích hòng chiếm lại các vị trí đã mất. Tại cứ điểm A1, chúng cho 5 đại đội quân Pháp có xe tăng, pháo binh và máy bay yểm trợ đánh vào khu vực chiếm giữ của Trung đoàn 174. Ta quyết định đưa Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) vào tham chiến, tiếp tục tiến công đồi A1. Các Trung đoàn 88, 36 (Đại đoàn 308) tiến công cứ điểm 106, uy hiếp địch ở phía Tây Mường Thanh. Đại đoàn 312 đánh chiếm cứ điểm 105 trên hướng Tây Bắc. Đêm 31-3 ta tiến công cứ điểm A1 lần thứ 2, lúc này địch dã đưa tiểu đoàn dù lên thay thế tiểu đoàn Ma-rốc bị thiệt hại nặng. Trung đoàn trưởng Hùng Sinh quyết định không dùng pháo cấp tập trước mà chỉ dùng hỏa lực trợ chiến cho bộ binh xung phong nên đã nhanh chóng chiếm được nửa phía Đông của cứ điểm. Ta tiếp tục tổ chức 4 đợt xung phong nhưng không thành công. Ngày 1-4 địch có ba lần phản kích nhưng bị Trung đoàn 102 đẩy lui, loại khỏi vùng chiến đấu hàng trăm tên địch và một xe tăng. Thế trận giằng co trong những ngày tiếp theo. Đêm 2-4, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) bao vây uy hiếp cứ điểm 311,2 đại đội ngụy Thái đã kéo cờ trắng ra hàng, ta làm chủ khu vực.
    Sau 5 ngày chiến đấu ta thu được thắng lợi quan trọng, chiếm giữ cả một dải đồi phía Đông (trừ đồi A1 đang tranh chấp) và các cứ điểm 106, 311 ở phía Tây. Phạm vi chiếm đóng của địch bị thu hẹp, nhiều lực lượng bị tổn thất lớn, trong đó có 3 tiểu đoàn thiện chiến bị tiêu diệt. Ngày 4-4, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tạm ngừng tiến công, củng cố lực lượng chuẩn bị cho đợt tiến công mới.
    Huy Thông
    (Theo “Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp” và lời kể của các CCB)