Đồng chí Nguyễn Vũ Tiến (bên phải hàng thứ hai) cùng đồng đội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh -1975.

Mùa mưa năm 1973, khi đang cùng tiểu đội chốt chặn ở lộ 13 Bầu Bàng - Tây Ninh, tôi được lệnh về ngay đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Rời bàn đạp Dầu Tiếng khá muộn, tôi đi về hướng tây bắc. Đến bờ sông Sài Gòn, tôi giật mình thảng thốt: Ngầm Nha Thức trước đây trong vắt, nước chảy hiền hòa, chỉ xắn quần là lội qua được, bây giờ nước lũ đục ngầu, cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về, biến nơi này thành một biển nước... Sợi dây mây anh em giao liên chăng ngang để lính bám vào lội qua ngầm ngày nào, giờ chìm nghỉm dưới làn nước dữ. Làm thế nào để vượt sông đây, khi tôi lại không biết bơi?

Tần ngần một lúc, tôi đánh liều cởi quần áo, súng đạn, gói ghém vào tấm tăng, mò mẫm bám lấy sợi dây mây, buông mình xuống dòng nước xiết. Mới ra được mấy mét, nước đã trào vào miệng, dìm xuống dòng nước xiết đục ngầu. Hãi quá, tôi quay ngược lên bờ ngồi thở dốc; ngồi một lúc, thấy một đồng chí bộ đội đi đến, gói đồ đạc chuẩn bị vượt sông, tôi mừng húm, gạ gẫm:

- “Boòng ôn” - anh em (tiếng Miên, lính ta hay gọi một cách thân mật) ơi, giúp mình qua sông với!

- Nước hỗn lắm, tôi qua một mình còn khó, thông cảm nhé!

Anh ta ngoái lại bảo thêm: Bơi không giỏi thì chớ vượt sông Sài Gòn mùa này. Boòng ôn cứ trở ra “lộ trắng”, đi ngược lên chừng 10km, có cầu Võ Tùng, xa một tí nhưng an toàn. Thôi, may mắn nhé! Và anh chàng ôm gói đồ, lao vào dòng nước lũ.

Còn lại một mình, vừa đói vừa rét vừa thất vọng, tôi thất thểu quay lại ấp Thanh An. Ghé vào một quán nhỏ ven đường, tôi hỏi cô chủ quán xem có gì bỏ bụng. Nhìn bộ dạng thiểu não của tôi, cô chủ quán xinh xắn mỉm cười lấy một gói nilon sặc sỡ, cắt ra đổ vào cốc, chế nước sôi, chừng 5 phút sau mang ra cho tôi một cốc đồ ăn thơm nức. Trời ơi, món gì mà ngon đến thế! Tôi thổi, sột soạt húp từng sợi một, cái món ăn nóng hổi lần đầu được thưởng thức, người tỉnh dần, khỏe hẳn. Hỏi ra mới biết đấy là mì ăn liền 2 tôm. Xong gói mì ăn liền và cốc trà củ măng thần thánh cùng ánh mắt sóng sánh của cô chủ quánxinh đẹp, tôi bần thần xách súng ngược nhằm hướng thượng nguồn sông Sài Gòn.

Đến sẩm tối, tôi cũng lần được đến cầu Võ Tùng. Vậy là qua được sông Sài Gòn, nhưng đêm tối, mưa lạnh và cái bụng rỗng đang ồn ào gào thét buộc tôi phải tìm chỗ nghỉ đêm. Mò mẫm một quãng dài, không thấy có quán sá, nhà dân; tôi đành rẽ vào rừng, tính tìm chỗ mắc võng và nhai gạo sống, chợt phát hiện ánh đèn dầu thấp thoáng, le lóiphía cuối cánh rừng. Mừng rỡ, tôi lê về hướng đó, hy vọng có chỗ qua đêm và quan trọng là có miếng gì dằn bụng. Ngay lúc đó, như từ dưới đất mọc lên, một anh lính Giải phóng, nòng AK lạnh lùng chĩa thẳng vào tôi quát: Ai, đứng lại, quay ra ngay, đây là khu vực cấm! Té ra đây là một trạm quân bưu Miền. Sau một lúc nghe tôi trình bày, giải thích, năn nỉ... xin được qua đêm, đồng chí Giải phóng tầm ngoài 30 tuổi, giọng Nghệ đặc quánh vẫn lạnh tanh như nước đá, chẳng chút động lòng. Thất vọng, tôi định quay gót thì chợt khuỵu ngã, cơn sốt rét chiều thường nhật ập đến. Tôi xin ngụm nước, nuốt vội 2 viên quinacrine, quấn chiếc tăng mỏng, run lẩy bẩy.

Luống cuống dìu tôi lên chiếc chõng tre trong trạm gác, anh Giải phóng thở dài than ngắn: Cậu sốt cao thế này, không thể đi tiếp được; mà đuổi cậu đi, tớ cũng không đành. Quanh đây không có nhà dân, cậu nằm một mình giữa rừng, không thám báo địch thì thú dữ nó cũng đâu tha. Nhưng ở đây, Trạm quân bưu bảo mật cấp độ cao, nội bất xuất, ngoại bất nhập đã đành, thêm nữa ông Chín - Trạm trưởng, dân Bến Tre, cực nguyên tắc và khó tính. Hây za, biết làm sao nhỉ? Hay là... cậu quê đâu? Em Quảng Bình. Cũng được! Bây giờ thế này, cậu tạm vào vai dân "cá gỗ" đi, cậu nhận là đồng hương tớ nhé. Tớ là Hồng, Phan Đình Hồng, dân Võ Liệt. Tôi cướp lời: Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An. Ừ, chính xác, cậu khá đấy. Cậu nói là ở gần nhà tớ, mới ở Bắc vô, nghe có đồng hương, tìm đến thăm. Ông Chín thật thà lắm, không phân biệt nổi giọng Quảng Bình của cậu với tiếng Nghệ của tớ đâu!

Trạm trưởng Chín đầu tiên cũng khó chịu, nhưng khi nghe nói tôi là đồng hương anh Hồng, lại là lính sinh viên, nét mặt khắc khổ của ảnh dãn ra. Anh ân cần hỏi han rồi hào hứng hô lính mổ gà đãi khách. Đêm đó, anh Chín và cả Trạm quân bưu quây quần nghe tôi kể chuyện miền Bắc XHCN, chuyện làng quê, chuyện gia đình... Đa số là chuyện thậtvà khá “thời sự” đối với các anh, vì tôi mới rời miền Bắc chưa tới 2 năm. Tuy nhiên, những chuyện về cha mẹ, bà con anh Hồng, tôi phải dựa vào thông tin anh mách trước để biến báo, thêm mắm thêm muối cho hấp dẫn. Ơn trời, tôi nhập vai tự nhiên đến nỗi ai cũng xúc động. Sáng sớm hôm sau, anh Hồng tiễn tôi ra “lộ trắng”, anh em ôm nhau bịn rịn, không muốn rời.

Tôi về đơn vị, nhận nhiệm vụ mới, rồi ra Tây Nguyên lao vào chiến dịch Bù Bông, Kiến Đức; rồi về miền Tây săn lùng xe bọc thép địch trên đất Tháp Mười, Long An; rồi ào ạt cuốn theo chiến dịch Hồ Chí Minh, chẳng có chút thời gian nào để nhớ tới việc tìm về Trạm quân bưu vô danh bé nhỏ nhưng đầy tình nghĩa bên cầu Võ Tùng năm ấy để thăm lại các anh. Anh Hồng, anh Chín... giờ này các anh đang ở nơi đâu? Cuộc đời này, em còn mắc các anh lời xin lỗi, một món nợ ân tình!

Nguyễn Văn Hùng - ghi theo lời kể của CCB Nguyễn Vũ Tiến - nguyên Chủ tịch CCB Đại học Huế