Đây là Nghị quyết thể hiện tinh thần tự phê bình rất nghiêm túc của Đảng ta. Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về chiến lược cán bộ, bên cạnh những thành tựu đạt được, Trung ương đã chỉ rõ những yếu kém của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ: Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi; nhiều cán bộ trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp; một bộ phận không nhỏ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, “làm việc hời hợt”, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, cá nhân chủ nghĩa vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng… chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng “đúng quy trình” nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng, Đảng đã đề ra những giải pháp mới, như thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và đến năm 2025 hoàn thành bố trí đối với cấp huyện; cơ bản hoàn thành đối với cấp tỉnh; “xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút và trưng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”.
Đặc biệt, Nghị quyết chỉ ra phải tiếp tục xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết; giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính; giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ chiến lược cơ bản lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên; giữa đức và tài, trong đó đức là gốc; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể.
Trong công tác đánh giá cán bộ phải đổi mới theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống, có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ; tiếp tục thực hiện chủ trương bầu Bí thư tại Đại hội Đảng bộ các cấp ở nơi có điều kiện; không nhất thiết địa phương, cơ quan nào cũng phải có cấp ủy viên; thí điểm người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm; có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ, công chức, viên chức, tiến tới xóa bỏ “biển chế suốt đời”.
Với Nghị Trung ương 7 (Khóa XII) về công tác cán bộ, chúng ta có cơ sở và niềm tin vào đội ngũ cán bộ lớp hiện tại và lớp kế tiếp sẽ có đủ đức và tài thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn như lời căn dặn của Bác trước lúc Người đi xa.
Văn Nguyễn