Cô giáo Giàng Thị Sáng bên học trò.
Ngày gặp chúng tôi, cô Sáng cũng mới vượt cung đường gần 200km để từ nhà kịp sang vui với niềm vui có điểm trường mới của các em. Hôm ấy, cô Sáng và những đứa trẻ nơi đây mặc đẹp hơn mọi ngày. Nói là đẹp hơn nhưng với cô cũng chỉ là một bộ váy truyền thống và những đứa trẻ là chiếc áo lành lặn nhất. Xã Huổi Mí nằm trong diện đặc biệt khó khăn với 11 bản, 579 hộ. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào 3 dân tộc: Thái, Khơ Mú và Mông. Toàn Trường mầm non Huổi Mí có 1 trường trung tâm và 15 điểm bản. Điểm trường Nùng Tạo của cô Giàng Thị Sáng hầu hết là các cháu nhỏ con em đồng bào dân tộc Thái.

Ban đầu, khi mới lập điểm trường ở đây, các cô giáo gặp không ít khó khăn khi vận động phụ huynh đưa con ra lớp. Phần vì nhận thức của người dân chưa cao, phần vì địa bàn cách trở. Lúc lập điểm trường ở bản, cô Lâm Thị Chính - Hiệu trưởng nhà trường đã không ít lần cùng các cô giáo trẻ, trong đó có cô Giàng Thị Sáng băng rừng vào từng nhà dân để kiên trì vận động người dân cho con em mình đến trường bám lớp. Cũng chính vì thế mà các gia đình ở đây coi các cô như người thân của bản. Đó cũng là lý do nhiều gia đình đã chủ động mang theo thức ăn, rau, gạo đóng góp cho điểm trường để cô Sáng tổ chức nấu cho các cháu ăn trưa tại lớp.

Bản thân cô Giàng Thị Sáng khi lên công tác tại điểm trường phải thuê một phòng trong nhà dân ở đầu bản để ở. Một tháng tiền thuê nhà ở của cô và tiền điện nước mất hơn 500 ngàn đồng. Số tiền ấy không hề nhỏ so với đồng lương của giáo viên mới ra trường như cô. Thế nên, mỗi lần về nhà, chiếc xe máy cà tàng cùng dáng hình nhỏ bé của cô lại mang theo bao nhiêu thứ, nào là gạo, rau, thịt... cho cả tháng ở điểm trường. Có hôm từ nhà trở lại trường, cô Sáng không quên mang theo những gói bánh, kẹo làm quà cho những đứa con ở lớp học của mình.

“Khó khăn nhất của trường?” - tôi đặt câu hỏi ấy với cô Giàng Thị Sáng. Cô bộc bạch: “Trước kia thì nhiều anh ạ, nhưng giờ đỡ hơn rồi. Chúng em băn khoăn nhất vẫn là điều kiện cho các con học tập còn thiếu thốn”. Có lẽ quen với cái khó nhiều, cô Sáng cũng như các thầy cô giáo vùng cao xem đó là điều bình thường.

Pờ Hùng