Báo cáo từ các tỉnh thành cho thấy dịch đang có xu hướng chững lại, số mắc và tử vong đều giảm. Như TP HCM, 22/6 là ngày có số trẻ mắc bệnh cao nhất, lên đến 101, nhưng nay chỉ còn 30-40 ca. Hay như Tiền Giang, ngày cao nhất có đến 58 trẻ mắc tay chân miệng thì nay giảm xuống chỉ còn 10-15. Hiện chỉ có một số tỉnh thành như Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Phước, Bạc Liêu…, số ca bệnh vẫn tăng nhưng không nhiều.
Các tỉnh đã khống chế được dịch. Virus chưa thay đổi độc lực, chưa biến đổi gene. Cụ thể, vào năm 2005, trong số hơn 700 bệnh nhân tay chân miệng thì hơn 42% là liên quan đến virus enterovirus 71 (EV71), còn lại chủ yếu vẫn là virus Coxsackievirus A16 (CA16). Tuy nhiên, từ năm 2009, virus EV71 (gây bệnh nặng hơn) dần chiếm ưu thế hơn, tăng lên 70.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thừa nhận, tuyên truyền là điểm yếu trong công tác phòng chống dịch thời gian vừa qua. Thông điệp tuyên truyền chưa đến được với từng hộ gia đình, bà mẹ, gia đình có trẻ mắc. Nhiều cán bộ khi đến hộ gia đình hỏi thì nhiều người không biết bệnh tay chân miệng là gì.
Bộ cũng khuyến cáo, nếu không triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả thì dịch bệnh có thể lây sang cả sang người lớn. Trên thực tế đã có một số nước xảy ra tình trạng người lớn, thậm chí trên 70 tuổi vẫn mắc bệnh tay chân miệng.
Vì thế, để chuẩn bị công tác phòng chống dịch từ giờ đến cuối năm, các địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, báo cáo Bộ trước ngày 25/8. Trạm y tế xã phường, cán bộ phường phải đến từng hộ gia đình trong các ổ dịch để phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng phải trở thành khẩu hiệu tại các xóm thôn bản.
Quỳnh Anh (TH)