Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trên địa bàn cả nước ta hiện có hơn 12 triệu người khuyết tật. Để trợ giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật, cộng đồng dân cư có nhiều sự trợ giúp cụ thể và đắc lực cho người khuyết tật trong cuộc sống hàng ngày… Nhưng để cho người khuyết tật có thể đứng vững trong cuộc sống, vấn đề dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật luôn là vấn đề quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và mỗi người chúng ta.
Theo khảo sát của Bộ LĐTBXH, hiện nay trên cả nước đa số người khuyết tật có trình độ học vấn thấp, hầu hết chưa được đào tạo nghề, thiếu việc làm và lao động có thu nhập thấp nên mức sống không cao. Hiện nay, nước ta có 35,83% số người khuyết tật không biết chữ; 12,58% biết đọc, biết viết; 20,74% có trình độ trung học cơ sở; 24,13% có trình độ trung học phổ thông. Đáng chú ý là tỷ lệ người khuyết tật được học nghề mới chỉ đạt 12,1%. Mặc dù 58% số người khuyết tật đang tham gia làm việc nhưng chủ yếu là việc đơn giản, thu nhập thấp, trong đó 30% đang mong muốn có công việc ổn định. Người khuyết tật là vấn đề xã hội rất quan trọng - điều này đã được Đảng, Chính phủ khẳng định qua chủ trương, chính sách và nhiều chương trình hoạt động. Hàng năm, ngân sách nhà nước dành hàng trăm tỷ đồng kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo, đầu tư xây dựng cơ sở, hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho người khuyết tật. Cơ sở dạy nghề tăng lên cả về số lượng, quy mô và chất lượng đào tạo, công tác dạy nghề cho người khuyết tật từng bước được xã hội hóa. Đến nay, trên địa bàn cả nước có 260 cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật ở 56 tỉnh, thành phố; trong đó 55 cơ sở chuyên biệt với 3 hình thức phổ biến là cơ sở sản xuất kinh doanh, gia đình và trung tâm dạy nghề.
Những năm qua, cùng với người khuyết tật cả nước, rất nhiều thương binh, CCB đã đi đầu trong phong trào xóa đói giảm nghèo, huy động các nguồn vốn và tận dụng mọi điều kiện có sẵn, vốn kiến thức để mở các cơ sở sản xuất kinh doanh, các trang trại có quy mô lớn, trong đó có nhiều cơ sở tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Thanh Hóa… đã tạo được hiệu quả kinh tế khá và công ăn việc làm cho hàng nghìn người. Hiện nay, hơn 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh và người khuyết tật trên cả nước đang tạo việc làm ổn định cho hơn 15.000 người khuyết tật; 65% số hộ có người khuyết tật được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đất sản xuất… Riêng Hội Người mù quản lý 146 cơ sở với khoảng 4.000 người; quản lý trên 31 tỷ đồng cho 13.000 hội viên vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2006, ngành LĐTBXH thường xuyên tổ chức hội chợ việc làm, trong đó có khu vực dành riêng cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân đã nỗ lực tạo việc làm cho người khuyết tật như tổ chức VNAH (Hội Bảo trợ người tàn tật Việt Nam); USAID, BREC (Hội đồng Dải băng xanh); đặc biệt là mạng lưới hơn 100 đơn vị thúc đẩy việc làm hòa nhập cho người khuyết tật tại một số địa phương, trong đó ở Hà Nội có các đơn vị như Trung tâm sống độc lập, Vì ngày mai… đã và đang đi tiên phong trong việc tư vấn, tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc, trợ giúp hòa nhập.
Trên thực tế, tuy đã có quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng về tiếp nhận người khuyết tật vào làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng việc sử dụng người khuyết tật tại các doanh nghiệp, xí nghiệp vẫn chưa nhiều vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các đơn vị sử dụng người khuyết tật vào làm việc chủ yếu do tinh thần nhân đạo của người quản lý hay theo chương trình hợp tác dự án với các tổ chức, chưa thực sự vì nhu cầu tuyển dụng. Nhiều cơ sở đào tạo nghề cho người khuyết tật được mở ra theo chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa gắn với việc làm trong thực tế xã hội, chủ yếu là nghề may mặc, đan lát và một số ngành nghề giản đơn khác khi nhu cầu xã hội đã bão hòa. Người khuyết tật được đào tạo xong không tìm được việc làm, dẫn đến tâm lý chán nản, bế tắc; nguồn kinh phí đưa ra cho công tác đào tạo trở thành lãng phí lớn, không sát thực tế . Vấn đề này đang rất cần được điều chỉnh kịp thời từ các cơ quan quản lý chuyên môn, cơ sở đào tạo dạy nghề cũng như từ chính người khuyết tật để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đem lại hiệu quả thiết thực cho công ăn việc làm của người khuyết tật.
Giải quyết việc làm cho người khuyết tật có ý nghĩa xã hội rất lớn, đó là một phần quan trọng của chiến lược xóa đói giảm nghèo - một mục tiêu lớn mà Việt Nam và quốc tế đang cùng nỗ lực phấn đấu. Cùng với các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; rất cần sự giúp đỡ thường xuyên của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước để người khuyết tật có được cơ hội làm việc và nâng cao trình độ văn hóa cũng như chuyên môn, có thu nhập ổn định. Đối với người khuyết tật, để có việc làm và thu nhập cao, bên cạnh sự hỗ trợ của các chính sách xã hội, tổ chức nhân đạo, bản thân họ cũng phải tự trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn và chủ động trong cuộc sống, đảm bảo cuộc sống bản thân và trợ giúp gia đình, để khẳng định mình là người “tàn mà không phế”. Vấn đề dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật đang là vấn đề lớn của xã hội, cần được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng và mọi người chúng ta. Văn Nga