Sau diễn văn khai mạc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang-thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, Đại hội nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo của BCHTƯ Đảng khóa XI về các Văn kiện Đại hội XII của Đảng, với chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” với những tư tưởng và nội dung cốt lõi. Tổng Bí thư cho rằng: “5 năm qua, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới phục hồi chậm; khủng hoảng chính trị ở nhiều nơi, nhiều nước; cạnh tranh về nhiều mặt ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn tại khu vực; diễn biến phức tạp trên Biển Đông… đã tác động bất lợi đến nước ta… Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, đạt được những thành quả quan trọng”.
Báo cáo nêu rõ 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.
5 năm tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến đất nước, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Trước tình hình này, Tổng Bí thư cho rằng cần đoàn kết một lòng, quyết tâm, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tổng Bí thư khẳng định mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN... Theo Tổng Bí thư: Mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trên thực tế, 20 năm qua toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu này…
Trong các ngày 22 và 23-1 có 34 tham luận của các đại biểu tại hội trường; nội dung đề cập nhiều vấn đề về phương hướng phát triển toàn diện của đất nước. Nổi bật là tham luận của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân-Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, có chủ đề "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh". Với 6 nội dung quan trọng, đồng chí khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đặc biệt, kể từ khi có Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến nay, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc ta được phát huy ngày càng cao hơn bởi có sự kết hợp nhuần nhuyễn những truyền thống quý báu của dân tộc và sự định hướng khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin về quy luật phát triển của loài người và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc… MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân nghĩa, khoan dung và ý thức về sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình phát triển đất nước.
Thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch-Bí thư TƯ Đảng, Ủy viên Thường vụ quân ủy TƯ, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, tham luận với tiêu đề "Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc". Đại tướng đề xuất những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chính cho những năm tới. Trong đó bao gồm 4 nhiệm vụ là: Tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, tạo mội trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước, nhanh, bền vững; đồng thời, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới và trách nhiệm cao, Đại hội bầu BCHTƯ khóa XII gồm 200 đồng chí (trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết).
BCHTƯ bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí, Ban Bí thư 3 đồng chí, Ủy ban Kiểm tra gồm 21 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tái bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội nhận được gần 250 tin, điện chào mừng của các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế trên thế giới. Có 650 nhà báo trong nước và hơn một trăm nhà báo quốc tế hoạt động tại Trung tâm Báo chí để đưa tin về Đại hội.
Với ý nghĩa rất trọng đại: Định hướng, cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc dân chủ XHCN; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đại hội đã thành công tốt đẹp.
Tô Kiều Thẩm (tổng hợp)