Người lớn tuổi nhất là anh Nguyễn Văn Cứ, sinh năm 1966. Cuối năm 1985, anh vừa tốt nghiệp một khóa đào tạo lái tàu hỏa, ngày chủ nhật trở về quê đi cuốc đất giúp gia đình; không may cuốc trúng phải mìn, chân trái cụt đến gối. Những ngày đầu anh rất bi quan và chán nản. Mất một thời gian dài, anh Cứ lần lượt điều trị tại Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Đường sắt, Trung tâm phục hồi chức năng mới ồn định cả vết thương và tinh thần. Nạn nhân thứ hai, ít hơn anh Cứ 9 tuổi là anh Nguyễn Lộc. Năm lên 10 tuổi, đang học lớp 2, một hôm đi chăn bò và nhặt củi, không may Lộc đạp phải mìn, cụt ngang nửa ống quyển chân phải, nhiều mảnh găm khắp người. Sau khi điều trị, anh học hết lớp 6 rồi học nghề cắt tóc, từ đấy hai vợ chồng cùng làm nghề này và buôn bán nhỏ. Nạn nhân thứ ba là anh Nguyễn Hưng, sinh năm 1985, bố bị bệnh mất sớm,để lại 7 chị em. Một hôm anh Hưng đi cuốc đất trồng sắn và cuốc vào một đầu đạn M79. Hai mắt bị mù và khoảng 20 vết thương khác ở khắp người. Anh kể: Nghe tiếng nổ, tôi ngã xuống, sờ đâu cũng thấy máu, hai mắt đau buốt. Ban đầu mọi người khiêng tôi vào đơn vị bộ đội gần đó để sơ cứu, rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa của tỉnh. Bác sĩ yêu cầu đưa về nhà làm ma vì tôi cứ ngất lên, ngất xuống... Nhưng số phận đã cho anh tồn tại đến bây giờ. Tôi tự hỏi, nếu khôngcòn sót bom mìn, vật nổ thì những con người kia sẽ ra sao. Chắc chắn các anh sẽ là những người lao động giỏi, là trụ cột của gia đình cho vợ, con, bố mẹ được nuôi dưỡng và nhờ cậy, có nhiều cống hiến cho xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Phước, Chủ nhiệm Công binh Bộ CHQS TP.Đà Nẵng tâm sự: Đây là những trường hợp bị thương thôi đấy. Chứ ngày 19-3-2006 đã nổ một quả bom 250 bảng Anh ở thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang làm chết 3 người. Cũng ở huyện Hòa Vang, ngày 26-10-2012, nổ bom chai ở thôn Tân Ninh, xã Hòa Liên chết 1 người. Cả thành phố đã có cả trăm vụ nổ bom mìn và hàng trăm người là nạn nhân, đau thương lắm! Theo số liệu của Mỹ cung cấp,trong những năm chiến tranh, số bom đạn mà họ đã sử dụng trên đất TP. Đà Nẵng gồm: Bom bi, bom xuyên, bom phá từ 250 đến 3.000 bảng Anh, các loại đạn pháo từ 105 đến 230 ly, đạn M72, M79, đạn cối 61, 81 ly, các loại mìn chống bộ binh,mìn chống xe tăng, tên lửa rốc-két và nhiều loại giết người khác. Số bom đạn chưa nổ ước tính hàng trăm tấn, nằm sâu trong lòng đất, trên khắp địa bàn thành phố. Đến tháng 12-2012, diện tích rà phá hết bom mìn, vật nổ đạt mới 6% tổngdiện tích bị ô nhiễm TP. Đà Nẵng.
Năm 2012, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế,xã hội của 5 quận, huyện: Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Cẩm Lệ và Hòa Vang, Bộ CHQS đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh), Tổng công ty 319, Công ty Trường An (Bộ Tổng Tham mưu), Tổng công ty xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty 36... đã tiến hành rà phá bom mìn, vật nổ,giải phóng 2.558,69 ha đất. Trong giai đoạn 2011 đến 2015 dự kiến sẽ làm sạch được 11.000 ha ở độ sâu 3m. Đây là những diện tích được ưu tiên mà cũng chỉ an toànở độ sâu 3m. Còn phải dò tìm sâu hơn và những nơi khác nữa. Đại tá Trương Chí Lăng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS TP Đà Nẵng, đưa chúng tôi về thăm một số địa phương có các đơn vị đang làm nhiệm vụ dò tìm bom mìn. Anh cho biết: Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020 là xây dựng nơi đây thành một trong những đô thị động lực lớn của cả nước; là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, dịch vụ, bưu chính viễn thông, tài chính, cảng biển, đầu mối giao thông vận tải, trung chuyến hàng hóa trong nước và quốc tế; là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và của cả nước. Do vậy, nhiệm vụ của Bộ CHQS là phải tạo nên những vùng "đất sạch" để mời gọi đầu tư và phát triển. Nhưng nỗi đau là để rà phá hết 49.986 ha đất còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ của 8 quận, huyện thì phải có một lượng kinh phí là 2.449 tỷ đồng. Đây là một khoản tiền lớn nên thành phố rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng quốc tế và cũng phải mất một khoảng thời gian khá dài mới loại bỏ được những nỗi đau từ lòng đất.
Bài và ảnh:
TôKiều Thẩm