Cơ quan chức năng phát hiện tại lô a, khoảnh 1, tiểu khu 151, do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý có hàng chục cây thông ba lá đường kính gốc từ 30 đến 60cm bị cưa hạ trái phép, lá còn xanh, chảy nhựa, phần thân cắt ngắn, cưa gọn chất đống bị đốt phi tang. Qua điều tra và nguồn tin báo từ người dân, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt phối hợp với Công an T.P Đà Lạt đã mời các đối tượng nghi vấn về điều tra, làm rõ.

Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng thông tại tiểu khu 151, phường 12, TP Đà Lạt.
Quá trình truy xét đã xác định đối tượng Đoàn Văn Dũng (37 tuổi, ngụ xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), người của Doanh nghiệp tư nhân Cát Minh, thuê Nguyễn Văn Ngọc (trú tại phường 12, T.P Đà Lạt) cưa hạ 20 cây thông với số tiền 30 triệu đồng. Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng thông tại tiểu khu 151, phường 12, T.P Đà Lạt.

Theo kết quả rà soát quy hoạch, diện tích rừng của thành phố Đà Lạt là 26.182ha, trong đó rừng phòng hộ là 20.914ha và rừng sản xuất 5.268ha. Từ năm 2009 tới nay, có 511 vụ phá rừng trái pháp luật, 262 vụ khai thác lâm sản trái phép... Các vụ vi phạm phá rừng chủ yếu là lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp, tại những địa bàn giáp ranh với khu sản xuất của người dân như xã Xuân Thọ, Tà Nung, phường 5, phường 7 và phường 11. Tổng số vụ vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp đã xử lý là 1.856 vụ với 368ha rừng bị lấn chiếm.

Để bảo vệ diện tích rừng, Đà Lạt đã triển khai Chỉ thị số 41-CT/TU ngay từ những ngày đầu tiên với việc thành lập các Ban chỉ đạo giải quyết, xử lý tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng như kiện toàn những cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng. Các biện pháp tổng lực từ xử lý hành chính, hình sự, lo lắng cho sinh kế của người dân trong khu vực cận rừng cho tới đẩy mạnh tuyên truyền...

Tuy nhiên, theo đánh giá của thành phố, tình trạng tài nguyên rừng bị xâm hại vẫn diễn biến liên tục bởi nhiều lí do. Trong đó, có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương. Giữ rừng là trách nhiệm của toàn thể hệ thống chính trị, trong đó các cấp ủy Đảng phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, đoàn thể trong công tác tuyên truyền pháp luật, trong xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, từng địa phương.

Việc chỉ đạo phải nhanh chóng, sâu sát từ những vấn đề nảy sinh trong thực tế. Giữ rừng không phải là việc làm trong một thời gian ngắn mà sẽ là nhiệm vụ lâu dài.

Dương Sơn