Chúng tôi đến nhà cụ Phạm Bá Miều - 83 tuổi ở tổ 17, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, khi cụ đang thắp những nén hương lên bàn thờ có đặt di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay giữa phòng khách trong nhà.
![](/Pictures/2013/thang 10/Khác/5.jpg)
Chìm sâu trong những hồi ức, cụ Miều chậm rãi kể: gia đình nhà cụ quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 1949, nhà cụ bị quân Pháp đốt cháy. Quá căm thù quân xâm lược, cụ tình nguyện đi bộ đội, lần lượt tham gia các đơn vị Trung đoàn 174, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở các tỉnh Cao-Bắc-Lạng, đơn vị của cụ sang giải phóng vùng Thượng Lào, Hạ Lào, rồi tham gia giải phóng thị xã Lai Châu.
Đến tháng 3/1954, cụ bắt đầu tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ở Đại đội 76, Tiểu đoàn 938, Trung đoàn 98 thuộc Sư đoàn 316 với cương vị Tiểu đội trưởng. Nhiệm vụ của đơn vị là rải quân từ Tà Lènh xuống tới đồi A1, kiến trúc công sự, đắp ụ, đào giao thông hào để chuẩn bị tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày đêm chiến đấu mà trực tiếp là đánh vào cứ điểm của địch trên đồi A1 giành thắng lợi, đơn vị của cụ tiếp tục ở lại đến ngày 10/5/1954 để thu dọn chiến trường, tổ chức an táng liệt sỹ.
Lần cụ gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầu tiên là trong những ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Cụ còn nhớ như in, hôm đó đơn vị đang tổ chức khâm liệm cho các liệt sỹ ở đầu cầu Mường Thanh, có một người mặc quân phục gọn gàng, đầu đội mũ cối, chân mang giày bata đi tới. Nhìn thấy cán bộ Tiểu đoàn đứng nghiêm giơ tay chào, đồng chí kia gật đầu chào lại rồi lặng lẽ đi vòng quanh thi hài các liệt sỹ. Khi cụ hỏi, thủ trưởng đơn vị trả lời đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam đến kiểm tra công tác an táng cho các liệt sỹ đã hy sinh trong chiến dịch. Lúc bấy giờ, trong lòng cụ trào dâng niềm xúc động và khâm phục, bởi tấm lòng của Đại tướng đối với các liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Miều tiếp tục cùng đơn vị tham gia công tác tiễu phỉ tại các địa phương ở tỉnh Lai Châu, quay về Phú Thọ, Hà Nội tham gia các hoạt động bảo vệ, huấn luyện, cứu đê Gia Lâm... rồi lên công tác tại Ủy ban Kiểm tra Đảng huyện miền núi Mường Tè của tỉnh Lai Châu từ năm 1958.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại những chiến sĩ của mình đã từng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ 50 năm trước, tại buổi gặp mặt thân mật đại diện chiến sĩ Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, được tổ chức tại Hà Nội, ngày 13/3/2004. Ảnh: Tùng Lâm - TTXVN
Đến năm 2004, nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên dự Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ lại được gặp người Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam năm xưa. Cụ và những người đồng đội của mình vẫn nhớ mãi câu Đại tướng nói: “Ta về gặp nhau ở đây là quý lắm rồi,” bởi biết bao đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất này, không có mặt trong ngày hôm nay.
Trong cuộc đời mình, cụ Miều cũng đã vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ, đó là lần tham gia công tác bảo vệ Bác ở tại Đền Hùng năm 1955, lần đó cụ chỉ được nhìn thấy Bác từ xa. Đến năm 1964, khi cụ cùng các lãnh đạo tỉnh Lai Châu (cũ) về Hà Nội họp, 4 người trong đó có cụ Miều đã được Bác mời lên gặp, được trực tiếp nói chuyện, nghe lời căn dặn của Bác. Bản thân cụ Miều trong những năm tham gia quân ngũ, đã được tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì, hạng Ba. Trong lần tham gia cứu đê Gia Lâm năm 1957, cụ đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba...
Sau khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, cụ Miều đau xót như mất đi người anh cả trong gia đình. Cụ và các con cháu cho rằng gia đình cụ là quân nhân, nay Đại tướng mất thì quân trực tiếp của tướng phải lập bàn thờ mới phải đạo. Ngay ngày hôm sau, gia đình cụ đã tìm một bức ảnh của Đại tướng, phóng to rồi đặt trang trọng trên bàn thờ riêng ở giữa nhà. Từ hôm đó đến nay, ngày nào cụ cũng thắp hương, tưởng nhớ đến Đại tướng với lòng thành kính, tiếc thương./.
Theo Vietnam+