Ví dụ, theo danh mục do NXB Giáo dục Việt Nam cung cấp, số lượng SGK cho lớp 1, 2, 3 là 6 cuốn; lớp 4, 5 là 9 cuốn. Ở cấp THCS, học sinh lớp 6, 7 dùng 12 cuốn SGK, lớp 8, 9 dùng 13 cuốn. Đối với cấp THPT, chương trình chuẩn có 14 cuốn SGK, chương trình nâng cao 10 cuốn. Giá bán lẻ bộ SGK chương trình phổ thông từ 45.300 đồng đến 153.000 đồng.
Giả thiết số lượng học sinh mỗi khối tương đương nhau và tỷ lệ học sinh THPT theo học chương trình chuẩn và chương trình nâng cao không chênh lệch, trung bình mỗi học sinh dùng 10 cuốn SGK thì năm 2018 , cả nước có 16,5 triệu học sinh, phải in 165 triệu cuốn sách - sang năm số sách này trở thành giấy vụn, đồng nghĩa với hơn 1.000 tỷ đồng của người dân đành bỏ đi.
Và ai cũng biết chỉ cần “phút mốt” có lệnh nghiêm túc là khắc phục được ngay lập tức sự lãng phí đó. Vậy mà tại sao việc làm sai đó đến mức các cơ quan truyền thông; đại biểu Quốc hội lên tiếng gần 10 năm nay mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không chịu sửa?
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Gíao dục và Đào tạo được độc quyền về SGK. Mỗi năm NXB này phát hành hơn 100 triệu bản, doanh thu lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Còn ngành dọc của Bộ thì “ăn” ở khâu phân phối SGK và sách tham khảo đến học sinh…
Các nhà chuyên môn cho rằng, độc quyền SGK còn dẫn đến việc những cá nhân, tổ chức liên kết với nhau để hưởng lợi (lợi ích nhóm). Và như thế, mọi cải cách, thay đổi của SGK sẽ rất dễ bị gạt đi.
Sắp tới, thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (dự kiến 5 bộ) phần nào hạn chế được độc quyền, nhưng có thành công hay không lại còn phụ thuộc vào Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho NXB của ngành chịu trách nhiệm bao nhiêu bộ SGK!
T.S Lê Viết Khuyến cho rằng khi làm sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy tách khỏi tư cách chủ quản của NXB Giáo dục Việt Nam - đơn vị độc quyền in sách giáo khoa nhiều năm qua. Tuy nhiên ý kiến này có được chấp thuận hay không lại còn phụ thuộc vào nhiều khâu…
Theo suy luận thông thường thì người ta không tin, vì sai “hai năm rõ mười” như thế còn không sửa thì làm sao công bằng để mất quyền lợi được?
Hà My