Các CCB Nguyễn Anh To (thứ hai, từ trái sang), Nguyễn Minh Tâm (bên phải) và Nguyễn Văn Thìn (bên trái).

Nhân chuyến công tác về huyện Thạch Thất (Hà Nội), tôi được CCB Nguyễn Minh Tâm và Nguyễn Văn Thìn - nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 đưa đến thôn Thanh Câu, xã Lại Thượng thăm đồng đội cùng đơn vị của các ông năm xưa là CCB Nguyễn Anh To (sinh năm 1953). Những CCB gặp lại nhau, tay bắt, mặt mừng và những ký ức của một thời trận mạc lại được tái hiện trong các ông, đặc biệt là với CCB Nguyễn Anh To.

Câu chuyện đã suýt soát 40 năm rồi, nhưng trong tâm trí CCB Nguyễn Anh To lại hiện lên rõ nét như câu chuyện của ngày hôm qua vậy.

CCB Nguyễn Anh To nhớ lại: “Hôm đó, ngày 16-4-1975, vào hồi 11 giờ 30 phút, từ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 (Sao Vàng), tôi được cấp trên điều động về  đại đội 1 ở cùng Tiểu đoàn 1 với cương vị đại đội trưởng. Gọi là đại đội nhưng chỉ có 7 đồng chí, gồm: 1 quản lý, 2 nuôi quân, 1 tiểu đội  trưởng, 1 trung đội trưởng và 2 chiến sĩ. Nhận nhiệm vụ mà tôi buồn và lo, không hiểu vì sao cấp trên điều mình về đơn vị như thế. Đang phân vân lo ngại thì nhận được điện báo của tiểu đoàn thông báo đại đội được bổ sung thêm cán bộ và quân số.

12 giờ kém 15 phút, đồng chí Thành được trên điều về làm chính trị viên đại đội, đồng chí Bên điều về làm đại đội phó. Chỉ 10 phút, ban chỉ huy họp thống nhất (cấp ủy) và chi bộ lại tiếp tục hoạt động.

12 giờ 15 phút, đồng chí Bên họp với bộ phận quản lý nuôi quân để chuẩn bị lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược... Tôi cùng đồng chí chính trị viên lên tiểu đoàn nhận bổ sung quân số. Đơn vị được bổ sung 120 đồng chí. Trong đó có cán bộ trung đội và tiểu đội lấy từ các đơn vị trong tiểu đoàn, còn lại 108 đồng chí là lính tân binh của Hà Tây (cũ) nhập ngũ ngày 25-2-1975 vào chiến trường và bổ sung về đơn vị”.  

Sau khi trao đổi với Chính trị viên Thành, Đại đội trưởng To đưa ra một quyết định táo bạo, đề nghị Đảng ủy, chỉ  huy tiểu đoàn không đưa đơn vị tham gia chiến đấu ngay vì chưa được huấn luyện.

Trong khi chờ quyết định của cấp trên, ông cho bộ đội ra cánh đồng của thôn Phước Đồng (Phan Rang) huấn luyện kỹ thuật và chiến thuật của chiến sĩ bộ binh, mục đích để cho bộ đội quen với các loại tiếng nổ trong chiến trận. Sau khi bộ đội thuần thục kỹ chiến thuật tác chiến của bộ binh, ông cho bộ đội về lau chùi vũ khí, tắm rửa, ăn cơm và quán triệt nhiệm vụ của đơn vị nằm trong đội hình của tiểu đoàn.

Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, đơn vị ông khi  tham gia trận chiến đã chiếm lĩnh trận địa cùng đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 đánh vào khu nhà thờ Bửu Sơn (Phan Rang). Sau 15 phút dồn dập của pháo binh, cối và các hỏa lực đi cùng, địch chống trả rời rạc, đơn vị của ông To đã làm chủ trận địa và làm công tác thương binh, tử sĩ và thu dọn chiến trường.

Trận đánh ấy mang tính lịch sử, đơn vị đã bắt sống trung tướng ngụy Nguyễn Vĩnh Nghi và chuẩn tướng ngụy Phạm Ngọc Sang. Điều đáng nói ở đây là cả đại đội chỉ bị thương 3 đồng chí. Sau trận đánh ấy, ông To cùng đơn vị được cấp trên khen thưởng.

Từ chiến trường miền Nam, ông To được điều động đến biên giới phía Bắc, công tác tại Quân khu 1, đến tháng 12-1991 ông về hưu, với quân hàm Trung tá.

Hồng Loan