
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: TUẤN HUY
Sáng 23-4, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề "50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại", theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, do Bộ Ngoại giao tổ chức. Chủ tịch nước Lương Cường tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, bạn bè quốc tế, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam dự và tham gia thảo luận tại phiên thứ nhất.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của Chiến thắng 30-4-1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cho rằng đối với Việt Nam, đây là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc.
Từ đây, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối; dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch nước khẳng định, trong Chiến thắng lịch sử đó, có đóng góp to lớn của ngoại giao Việt Nam. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử và những bài học sâu sắc từ Chiến thắng 30-4-1975 đối với ngoại giao Việt Nam trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, mang tính dân tộc và tính thời đại sâu sắc.
Chủ tịch nước cũng đồng thời khẳng định vai trò rất quan trọng của công tác ngoại giao trong lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước. Trong đó, vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đến xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình.
Ngoại giao đã phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”, qua đó giành thắng lợi từng bước, tạo tiền đề đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đi đến toàn thắng. Ngoại giao đã góp phần quan trọng trong tái thiết đất nước, triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới, mở ra cục diện đối ngoại thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điểm lại những thành tựu quan trọng của ngoại giao Việt Nam trong suốt những thập kỷ qua, nhấn mạnh trước những biến chuyển to lớn của thời đại, ngoại giao Việt Nam đang có những đổi mới căn bản bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ bài học trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế, nâng tầm đóng góp của Việt Nam vào việc bảo đảm an ninh, kiến tạo hòa bình trên thế giới.
Hội thảo gồm hai phiên: Ngoại giao Việt Nam và Chiến thắng lịch sử 30-4-1975; vai trò của ngoại giao trong thúc đẩy đối thoại, giải quyết tranh chấp, kiến tạo hòa bình trong tình hình hiện nay.
Trong mỗi phiên thảo luận đều có sự tham gia của các học giả, nhân chứng lịch sử Việt Nam và quốc tế. Các phiên thảo luận tập trung làm rõ quá trình đấu tranh ngoại giao đối với tiến trình giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; từ đó khẳng định vai trò, đóng góp của ngành Ngoại giao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thúc đẩy đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột trong tình hình hiện nay.
Đáng chú ý, trong thông điệp qua video tại hội thảo, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã đề cập những bài học ngoại giao trong quá khứ có thể vận dụng trong bối cảnh ngoại giao hiện nay, trong đó nổi bật là phát huy truyền thống coi trọng quan hệ quốc tế, đoàn kết quốc tế của Việt Nam.
Theo nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: 50 năm qua, chúng ta đã cố gắng hàn gắn vết thương chiến tranh và có những chủ trương, đường lối để phát triển đất nước, trong đó hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ rất quan trọng. Việt Nam thiết lập quan hệ với nhiều nước trên thế giới và những mối quan hệ này ngày càng phát triển, trong đó có cả hợp tác chiến lược và hợp tác toàn diện về chính trị, kinh tế... Ngoại giao trong tình hình mới có vai trò ngày càng quan trọng hơn. Chúng ta tiếp tục truyền thống coi trọng quan hệ quốc tế, đoàn kết quốc tế...
Trong phần thảo luận của mình, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, Đại thắng mùa xuân 1975, với đỉnh cao là thắng lợi lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh, một lần nữa khẳng định tài thao lược, nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng ta. Trong đó, đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh ngoại giao là nét đặc sắc trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam.
Nửa thế kỷ trôi qua, bài học về kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao vẫn mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Kết hợp quốc phòng với ngoại giao, ngoại giao với quốc phòng thời kỳ hội nhập và phát triển ngày nay nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN từ sớm, từ xa. Giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế; thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, hợp tác cùng các nước thúc đẩy hòa bình, đối thoại, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, cùng phát triển.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Virginia Foote, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM) tại Việt Nam khẳng định, việc Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai quốc gia. Các nhà ngoại giao, Bộ Quốc phòng, cộng đồng kinh doanh hai nước đã phối hợp giải quyết hậu quả chiến tranh và tạo dựng hòa bình. Hai bên đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác, cùng nhau thiết kế, ký kết và triển khai thực hiện Hiệp định thương mại song phương. Sau chiến tranh, hai nước đã xây dựng mối quan hệ bền vững, cùng nhau phối hợp thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, bổ sung thế mạnh lẫn nhau và cùng nhau tạo dựng niềm tin. Bà Virginia Foote nhấn mạnh, hai bên cần tiếp tục vượt qua những thử thách để phát triển mối quan hệ và tăng cường hiểu biết hơn nữa giữa nhân dân hai nước.
Về phần mình, ông Tim Rieser, Cố vấn cấp cao của Thượng nghị sĩ Peter Welch, Trợ lý cao cấp về chính sách đối ngoại của nguyên Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy - người tích cực ủng hộ hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, vui mừng bày tỏ những kết quả hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước, làm nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển tốt đẹp như ngày nay. Ông cho biết, khi làm việc với các đối tác Việt Nam, Thượng nghị sĩ Leahy đã gặp được những người bạn có cùng quan điểm - đó là vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai, để xây dựng mối quan hệ làm việc chặt chẽ, khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là hậu quả chất độc da cam/dioxin, bom, mìn chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh và tìm kiếm quân nhân mất tích của hai bên trong chiến tranh.
Hội thảo nhằm nhìn lại những đóng góp của ngành ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là sự kiện góp phần thiết thực kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hòa chung không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Hội thảo cũng là dịp tri ân các bạn bè quốc tế, những nhân chứng lịch sử đã đóng góp vào quá trình đấu tranh ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như quá trình xây dựng, phát triển đất nước sau này của Việt Nam.
QĐND