Mùa xuân đến. Mọi vật đều đổi khác. Đầu tiên là khúc gỗ mục vẫn dành để luộc bánh chưng còn thừa, vứt lăn lóc ở sau bếp, bỗng nảy lên một cái lộc biếc. Rồi cây cối đâm chồi. Hoa cỏ ngào ngạt. Hình như chúng đang toả hương để mê nhau, cám dỗ nhau.

Thiên nhiên còn thế, huống hồ con người. Thảo nào lũ trai gái mâng mâng cứ cháy phừng phừng như những ngọn đuốc. Đến gái làng quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, giờ cũng tươi nõn. Cặp môi ướt đỏ, bầu má chín ửng như những quả táo Tây, khiến những gã đứng đắn, có tiếng nghiêm trang như những vị thánh sống, cũng trở nên luống cuống… đầu óc toàn nghĩ đến những chuyện mà các bậc túc nho xưa cho là không hợp tuổi.

Ông lão Vậng 72 tuổi cũng không thể sống yên được trong những năm cuối đời. Lão quyết định cưới vợ. Điều này thực tình cũng không có gì mới. Cách đây hơn một năm, Lão cũng đã đòi lấy vợ rồi. Nhưng lũ con cháu lão không chịu. Chúng phản đối rầm rầm. Đầu tiên là thằng Cả:

  • Không được đâu, bố ạ. Nghịch mắt lắm! Chẳng gì con cũng là Tổng Giám đốc một doanh nghiệp lớn. Anh em nhân viên nhìn con như thế nào?

Thằng Hai cũng đắn đo:

  • Chúng con cũng chẳng muốn giam hãm bố làm gì. Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông. Mẹ con thì mất lâu rồi. Bố cũng có thể tìm một người bầu bạn cho tuổi già đỡ hiu quạnh. Nhưng bố phải chọn một bà goá, hay bất cứ bà nào cao tuổi trong làng này cũng được. Đằng này, bố lại lấy cái con Ôsin...

  • Ơ hay, thế tao lấy vợ cho tao hay lấy vợ cho chúng mày? - Lão Vậng quắc mắt - Chọn vợ thì phải chọn cô trẻ đẹp, chứ sao lại chọn bà già? Thế thì lấy vợ làm gì? Để đưa nhau ra nghĩa địa chắc?

  • Nhưng không được ông ạ - Lũ cháu chắt nhao nhao - Chúng cháu biết gọi, hỏi thế nào? Bằng bà à? Ôi giời ơi, tuổi nhãi nhép bỗng chốc lên bà! Không! Không thể có chuyện ấy!

Thế là thành đàn ong vỡ tổ. Lão Vậng biết mình không thể trị được lí lẽ của lũ trẻ này! Phải có kế sách. Nhưng rồi vẫn không kịp. Ngay lập tức hôm sau, con Ôsin “giời đánh thánh vật” đã bị chúng đuổi ra khỏi nhà.

Không còn người giúp việc thì con cháu phải thay nhau làm Ôsin hầu hạ ông. Mà giời ạ. Làm Ôsin cũng đâu có dễ. Lũ con, cháu thương cha, quý ông, nhưng chúng cũng đâu đã trực tiếp chăm sóc cha, ông được đến một ngày. Bây giờ thì đứa nào cũng phải nể con Ôsin… Chúng quyết định lại thuê người giúp việc. Nhưng chẳng ai dám làm. Đứa nào cố gắng lắm cũng chỉ được ba buổi. “Ông khó tính quá, cháu không chiều được đâu!”.

Thế rồi lại bỏ. Ba triệu một tháng cũng bỏ. Chục triệu cũng bỏ. Số tiền lương ấy đâu có thấp. Đến cả tay kỹ sư bậc trưởng ở Tổng công ty thằng Cả cũng chẳng có được mức lương như trong mơ ấy. Vậy mà rồi vẫn không xong. Thế mới biết đứa cháu giúp việc trước có sức chịu đựng giỏi thật. Hay là lại gọi nó về? Mà đã đuổi người ta đi rồi, đã chắc gì người ta chịu trở lại.

Đúng là chị ấy không trở lại thật. Nó bảo, nó không phải Ôsin. Chưa bao giờ nó “làm Ôsin cho bố các anh chị cả”. Ồ, hoá ra bấy lâu nay, nó chăm chút người tình chứ đâu có phải làm phận sự của người giúp việc. Chỉ có tình yêu mới giúp người ta vượt qua bao nỗi kinh hoàng. Thế là lũ con cháu đành phải để cho ông cụ lấy “con Ôsin” ấy làm vợ. Thoạt đầu lão còn ngúng ngoảy. Nhưng khi lão Vậng ưng thuận theo ý cháu con thì chúng sướng lắm. Sướng như người chết đuối vớ được cọc.

Đám cưới tổ chức khá linh đình. Chú rể com lê cà vạt, cài trước ngực một đoá hoa hồng...

  • Thế anh tưởng… Anh có lớn mà vẫn chẳng có khôn đâu. Phải… phải học nữa mới thành người được con ạ.

Lão Vậng nói với con cả. Lúc bấy giờ, lũ con cháu mới dần dần ngộ ra “đời dài thật, mình nghĩ chưa tới…”.

Không ai có thể ngờ được. Lão vốn là người hiền lành, củ mỉ cù mì. Thế mà tình yêu đánh thức dậy được.

Chỉ có cái Chúa Xuân mới làm được những việc kỳ diệu như thế.

Kinh!

Trần Đăng Khoa