Chị Nhàn - một trong bốn nạn nhân bị ngộ độc đang được chăm sóc tại Bệnh viện đa khoa T.P Vinh - Nghệ An.
Các nạn nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, gọi hỏi kém đáp ứng, rối loạn ý thức. Kết quả xét nghiệm cho thấy, các bệnh nhân đều có chỉ số oxy trong máu thấp, nồng độ CO cao. Sau khi được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa T.P Vinh cho thở oxy cao áp, truyền dịch giúp các nạn nhân ổn định sức khỏe và đã được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.

Theo người thân các nạn nhân, chị Nhàn mới sinh, trời lạnh nên gia đình đốt than trong nhà để sưởi ấm và dẫn đến việc ngạt khí CO.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Kính - Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, cho biết: Khi hít phải khí CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực. Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người...

Để phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra, bác sĩ Kính khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không sưởi ấm bằng than, đóng kín cửa trong nhà hoặc ngay cả lúc sưởi ấm để tắm cũng rất nguy hiểm. Từ trước đến nay, đã có rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra do sưởi ấm bằng than củi, than tổ ong…

Khi có người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, lập tức đưa tới bệnh viện để cấp cứu và điều trị kịp thời. Trong quá trình đưa đến cơ sở y tế, nếu nạn nhân thở yếu, bất tỉnh thì phải tiến hành hà hơi thổi ngạt.

Thành An