Thị trường bánh Trung thu đa dạng giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

Thị trường bánh Trung thu năm 2023 đang rất sôi động. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm uy tín thì sự xuất hiện của quá nhiều loại bánh kẹo trên thị trường khiến người tiêu dùng băn khoăn về chất lượng.

Tăng sản lượng, chú trọng hình thức bao bì

Theo khảo sát của phóng viên, những ngày này, tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như Bà Triệu, Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng), Phan Đình Phùng (Ba Đình), Thụy Khuê (Tây Hồ), Trần Thái Tông (Cầu Giấy), Tố Hữu (Hà Đông)… xuất hiện một số kiốt bán nhiều loại bánh Trung thu với các thương hiệu khác nhau. Thị trường bánh năm nay đa dạng về chủng loại, mẫu mã và mức giá, giúp người mua có thêm nhiều sự lựa chọn. Hiện mặt hàng được nhiều người ưa chuộng vẫn là các loại bánh đến từ những thương hiệu lớn như: Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội, Kinh Đô, Bibica…

Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Kinh Đô tung ra thị trường nhiều dòng sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Một số mặt hàng bánh truyền thống như bánh nướng, bánh dẻo vị đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen… giá từ 55.000-62.000 đồng/bánh (trọng lượng 150 và 180g).  Đối với dòng sản phẩm biếu tặng, giá thấp nhất 640.000 đồng/hộp, cao cấp nhất là hộp bánh Trung thu Trăng vàng Black và Gold kim cương hộp sơn mài giá bán lên đến 5 triệu đồng/hộp.

Năm nay, hầu hết các nhãn hàng bánh Trung thu đều tăng giá so với năm trước. Nhân viên bán bánh Trung thu thương hiệu Hữu Nghị trên phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) cho biết: Mùa bánh Trung Thu năm nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều đồng loạt tăng giá bán từ 2.000-20.000 đồng/cái so với các năm trước, tùy vào chất lượng, trong lượng được bán với giá từ với mức 55.000-400.000 đồng/cái và từ 280.000 đến hơn 1 triệu đồng/hộp.

Lý giải nguyên nhân khiến bánh Trung thu năm nay tăng giá, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này có chung ý kiến, do giá nguyên liệu đầu vào gia tăng từ 10-20% như bột mì tăng 33%, hộp giấy tăng 11%... nên giá bánh cũng được điều chỉnh tăng nhẹ từ 5-10% so với giá bán năm ngoái.

Trong khi những hiệu bánh quen thuộc đi kèm với giá cả được niêm yết công khai và chất lượng được kiểm định thì trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada cũng rầm rộ tung ra các sản phẩm bánh Trung thu rất bắt mắt, nhưng lại có giá khá rẻ. Đặc biệt, năm nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại bánh kích thước nhỏ, nhiều màu sắc được cho là nhập từ Trung Quốc có giá rẻ chỉ vài nghìn đồng/cái. Với những sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng này, chắc chắn sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường bánh kẹo

Hiện lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đang triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa phục vụ dịp Tết Trung thu 2023. Điều đáng nói, trong các đợt ra quân, lực lượng QLTT phát hiện nhiều sai phạm trong sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu như: Không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, không thành phần... Các loại bánh này không bảo đảm an toàn thực phẩm đang được các cơ sở, cá nhân bày bán tràn lan trên thị trường nhắm mục đích lợi nhuận.

Mới đây, Cục QLTT T.P Hồ Chí Minh phát hiện nhiều vụ kinh doanh bánh Trung thu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, ngày 8-9, Đội QLTT số 4 phối hợp với Công an phường 7 (Phú Nhuận) kiểm tra điểm kinh doanh thực phẩm trên đường Hoa Sứ. Tại đây, Đoàn kiểm tra thấy hơn 400 bánh Trung thu trứng chảy (loại 6 cái/hộp 330g), nhãn hiệu Bei Yue Wan không ghi xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Theo tường trình chủ hộ kinh doanh, toàn bộ số hàng trên được mua trôi nổi trên thị trường với giá tốt, sau đó bán lại kiếm lời.

Ngày 14-9, Đội QLTT số 17 bất ngờ kiểm tra điểm kinh doanh thực phẩm bánh kẹo trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), phát hiện nơi đây đang bày bán 216 bánh Trung thu nhập lậu hiệu Pamiriter, loại 50g/cái (6 cái/hộp), ngày sản xuất 04-8-2023, không có hóa đơn chứng từ, trên sản phẩm có chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hồ sơ công bố an toàn thực phẩm.

Tại Hà Nội, ngày 15-8, Đội QLTT số 24 Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải (thôn Chùa Tổng, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội), phát hiện 10.800 chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton. Điều đáng nói, theo giá niêm yết chỉ 2.500 đồng/chiếc. Không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô hàng này, chủ cửa hàng thừa nhận đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường, bán hưởng chênh lệch.

Đội QLTT số 22 (QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm tạm giữ trên 4.600 chiếc bánh Trung thu nhập lậu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc tại 179 thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Cùng thời điểm, Đội QLTT số 1 và số 2 Cục QLTT Bắc Ninh phát hiện 2.400 chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, không hóa đơn chứng từ. Do chủ lô hàng không xuất trình được giấy tờ hợp pháp nên toàn bộ số hàng hóa bị tạm giữ để làm rõ…

Đồng chí Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết: Tổng cục QLTT chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành tiếp tục kiểm tra các tổ chức, cá nhân, siêu thị, trung tâm thương mại sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bánh kẹo, bánh Trung thu. Đồng thời, giám sát chặt cá nhân, tổ chức, kinh doanh phụ gia thực phẩm; sản xuất, kinh doanh nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh Trung thu...

Võ Hóa