Dự án đường Võ Nguyên Giáp nối dài chạy qua phần đất ông Chắn mua của ông Toản và ông Ý… Dù cơ bản Dự án đã xong hạ tầng, nhưng việc khiếu kiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Hoàng Văn Chắn (hộ khẩu đăng ký tại tổ 15, phường Nam Cường T.P Lào Cai, tỉnh Lào Cai) mới đây có đơn gửi về Báo CCB Việt Nam phản ánh, 10 năm qua ông khiếu kiện liên quan đến vi phạm các quy định của Luật Đất đai trong quá trình xác định ranh giới và quyền sử dụng đất phục vụ đền bù, GPMB thực hiện Dự án đường Võ Nguyên Giáp nối dài trên địa bàn T.P Lào Cai, nhưng vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước và gia đình ông.
Trong đơn gửi tòa soạn, ông Chắn nêu 3 vấn đề cần làm rõ:
Một là, năm 2010, ông Chắn mua lại mảnh đất đứng tên ông Trần Quốc Toản tại tổ 31, phường Bắc Cường, T.P Lào Cai với diện tích khoảng 0,2ha đất trồng vải, chuối, tre và 3 ao thả cả với số tiền là 250 triệu đồng (210 triệu đồng tiền đất và 40 triệu đồng tiền cây cối hoa mầu).
Việc mua bán có xác nhận của tổ dân phố và người làm chứng. Tháng 10-2010, thửa đất được đơn vị chuyên môn đo vẽ, trích lục (chưa làm sổ đỏ). Năm 2015, Dự án đường Võ Nguyên Giáp kéo dài chạy qua phần đất ông Chắn mua của ông Toản, nhưng khi lập phương án đền bù GPMB, người đứng tên nhận tiền lại là bà Nguyễn Thị Thủy, ở tổ 6, phường Duyên Hải, T.P Lào Cai.
Ngoài việc người nhận tiền không đúng đối tượng, ông Chắn còn cho rằng: Dự án đường Võ Nguyên Giáp kéo dài đi qua thửa đất ông mua của ông Toản, nhưng Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố có thời điểm lại xác định đất này nằm trong diện tích đất gần 5ha mà ông Chắn đã được cấp sổ đỏ; có thời điểm lại xác định diện tích ông Chắn mua của ông Toản chồng lấn với diện tích đất của ông Hoàng Ngọc Phú. Theo ông Chắn thì thực tế lô đất mà ông Toản chuyển nhượng lại cho ông không hề liên quan đến thửa đất của ông Phú và cũng không có đất của ông Phú nào ở khu vực này cả. Trong khi đó toàn bộ việc thống kê, áp giá đền bù các đơn vị chức năng của T.P Lào Cai… tự làm, tự vẽ ra.
Đến thời điểm này một phần thửa đất đã được thu hồi làm đường, nhưng tiền thì ông Chắn chưa được nhận. Bên cạnh đó, phương án xác định tên người sở hữu đất để lập phương án đền bù cũng không đúng với thực tế, thậm chí cán bộ làm GPMB còn kê khống thêm diện tích, gây thiệt hại cho Nhà nước - đơn ông Chắn nêu.
Hai là, vào năm 2011, UBND T.P Lào Cai thu hồi một phần diện tích đất rừng cảnh quan trong tổng số diện tích 0,2ha ông Chắn mua của ông Toản và một phần diện tích nằm trong thửa đất rộng gần 5ha của ông Chắn đã được cấp sổ đỏ. Nhưng khi thống kê, lên phương án đền bù, cơ quan chức năng và chính quyền không có thông báo gì cho ông biết. Nhiều lần ông đề nghị UBND T.P Lào Cai và cơ quan chức năng xem xét lại về diện tích đất rừng cảnh quan bị thu hồi, tuy nhiên nguyện vọng đề đạt của ông Chắn vẫn không được các cơ quan chức năng nói trên trả lời!
Ba là, vào năm 2010, ông Chắn có nhận chuyển nhượng 49.239,8m2 đất trồng rừng tại tổ 15, phường Nam Cường, T.P Lào Cai từ ông Hoàng Văn Ý. Diện tích này sau đó đã được UBND T.P Lào Cai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đến năm 2051. Năm 2011, ông Chắn dùng Giấy chứng nhận QSDĐ này thế chấp vay 20 triệu đồng của bà Nga (hay gọi là Nga Tây). Tuy nhiên, đến năm 2012, không hiểu sao sổ đỏ của ông lại được một người khác sử dụng để thế chấp vay tiền của bà Nguyễn Thị Thủy (địa chỉ tổ 6, phường Duyên Hải, T.P Lào Cai). Tìm hiểu ra ông Chắn mới biết tổng số tiền vay và tiền lãi là 670 triệu đồng. Người vay sau đó thoái thác trách nhiệm nên ông Chắn tìm gặp bà Thủy xin được trả số tiền gốc của người kia đã vay để lấy lại sổ đỏ. Tuy nhiên, đáp lại, bà Thủy cho biết “đất đã bán rồi sao lại đòi lại bìa đỏ?”.
Trong đơn gửi về Báo CCB Việt Nam, ông Chắn xác nhận chưa từng giao dịch mua bán với với ai về diện tích gần 5ha đất rừng mà ông mua lại của ông Hoàng Văn Ý. Nhưng vào thời điểm có dự án chạy qua phần đất ông mua thì không hiểu sao lại xuất hiện những hợp đồng mua bán chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Chắn với bà Thủy, được công chứng viên Má Hồng Sinh (thuộc Văn phòng công chứng Lào Cai) chứng thực, xác nhận vào ngày 20-1-2012? Theo ông Chắn thì tại những bản hợp đồng mua bán chuyển nhượng mà ông biết, cho thấy những dấu vân tay ở 3 bản hợp đồng rất khác nhau, không phải dấu vân tay của ông. Đáng chú ý là ngoài diện tích bị thu hồi để làm đường, hiện nay, gia đình ông Chắn vẫn đang quản lý, sử dụng số diện tích còn lại trong suốt 10 năm qua…
Thực hư nội dung phản ánh của ông Chắn, Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục tìm hiểu, làm rõ sau.
BBĐ