Trần Đăng Khoa
Em có cái cảm giác khá quen thuộc của người sáng tác đấy. Khi nghĩ thường thấy hay. Hay tuyệt vời. Thậm chí có người trước khi viết còn tuyên bố: Tớ mà viết cái này thì khối anh chết. Người sau cứ là bẻ bút không dám viết nữa. Thế rồi khi tác phẩm nằm chềnh ềnh ra trước trang giấy rồi, mới hay, chẳng có ai chết cả, cũng chẳng thấy ai bẻ bút. Chỉ có trang giấy chết thôi. Một nhà văn khá nổi tiếng cũng bảo anh: Tớ có cái truyện thú lắm, nhưng đọc lại thấy câu chữ cứ bò lổm ngổm như kiến đen, con chữ cứ bở ra. Tức quá, có lẽ phải viết lại mới được. Anh cũng nhiều lần có cảm giác ấy. Có khi chỉ một câu thơ, thậm chí một chữ thôi, cũng xoá đi xoá lại đến hàng chục lần mà vẫn không thành. Nghề viết khổ cũng vì vậy.
Còn cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Đình Chiểu thì rất dễ tìm. Em cứ vào thư viện, tìm bất cứ cuốn sách nào của cụ Đồ Chiểu, ở phần đầu tập sách, bao giờ cũng có Lời giới thiệu, hoặc những bài viết về cụ. Trong đó thường là có khá đầy đủ tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của cụ.
Gần đây, Nhà xuất bản Giáo dục đã ra một loạt tập sách khổ lớn về những tác giả lớn, có trong chương trình học phổ thông và đại học như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Tố Hữu, Xuân Diệu,... Em gắng đến thư viện tìm đọc. Đấy là những công trình rất đáng quý, rất có ích cho việc học tập và nghiên cứu.
Mục “Thư đi – Thư về” trên Báo Cựu chiến binh Việt Nam, bài này anh viết trả lời em, nhưng còn nhiều “các cụ” CCB đọc nữa. Mà các cụ dặn anh là không được viết dài, nên thư gửi em “tạm thời thôi”. Anh hứa số sau sẽ dành phân tích một tình tiết khá giống nhau và rất thú vị trong tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu và Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du.
Hẹn em nhé.
TĐK