Ai cũng muốn chia sẻ với ông “cái hạn” đen đủi. Sau vài lời hỏi thăm, chúc tụng, ông Nghiêm, người hàng xóm, đứng giữa nhà, phán chắc nịch như một nhà chức trách: Trên mọi ngả đường công an giao thông có mặt hàng ngày, hàng giờ, họ bắt và xử lý rất kiên quyết những hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ, rồi tiền phạt đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng xung công quỹ nhà nước. Ấy vậy mà đâu họ có kinh!

Một người nêu ý kiến: Ra đường, bị tai nạn giao thông, liệu có ai giúp đỡ?

Bà Vậy nghe chuyện, bức xúc: Em gái tôi đưa chân xuống Đồ Sơn, hai thanh niên “choai choai” chạy xe máy phía sau, rồ ga, vọt lên lạng lách, đâm sầm vào chiếc xe chạy trước đổ kềnh, hất người lái văng ra nằm bất động giữa đường, xe chúng loạng choạng rồi cũng đổ văng. Chúng vội đứng dậy dựng xe, tưởng quay lại chỗ người bị tai nạn, ai dè, chúng nổ máy, nhảy vội lên xe cắm đầu, cắm cổ chạy mất.

Thế không ai đưa nạn nhân đi cấp cứu sao? Nghe bà Vân hỏi, lại ông Nghiêm, như có vẻ thông thạo: Ai dám đưa đi, làm phúc với người bị tai nạn chẳng quản công, đến khi vào viện còn bị giữ lại, bởi người ta tưởng họ chính là kẻ gây họa. Nên chẳng ai dại gì làm chuyện nhân đạo này, thấy người ta bị tai nạn giao thông mà đành “mũ ni che tai” vậy.

Ông Thùy nghe mọi người đến thăm mình trò chuyện chỉ cười. Ông với tay lấy chiếc nạng gỗ dựng ở đầu giường, lần đứng dậy, đến bàn rót nước mời khách: Vâng, nói như các ông bà cũng có những cái đúng. Còn nói khi thấy người bị tai nạn chẳng ai dám cứu vì đưa đến bệnh viện người ta giữ lại thì chắc không phải. Ông Thùy bộc bạch: Buổi sáng, tôi lững thững đạp xe trên đường 353 vào thành phố. Tôi đi chậm, sát mép đường hai ba chục phân. Thế mà đi vòng xuyến Phú Hải khoảng hơn 100m, chiếc xe máy tông vào, hất tung tôi xuống đường, đầu đập vào poóc-ba-ga xe đạp, máu chảy lênh láng. Tôi bị choáng, gục xuống. Một chiếc xe máy dừng lại, hai cô gái vội nhảy xuống, nhẹ nhàng đỡ tôi ngồi dậy: Bác ơi! Máu ra nhiều quá, cháu đưa bác vào viện nhé ? Hai cô đang đỡ tôi ngồi lên xe, thì một xe máy nữa dừng lại, anh thanh niên chống chân xe nói với tôi: Hai cô đưa bác vào viện, xe đạp của bác, cháu mang vào gửi trong nhà dân giúp bác nhé.

Hai cô đưa tôi đến phòng cấp cứu Bệnh viện Việt - Tiệp: Bác bị tai nạn trên đường 353, chúng tôi chở bác vào đây, nhờ bệnh viện cấp cứu dùm. Và các cô quay sang tôi: Bác ở đây điều trị, chúng cháu phải đi làm. Tôi chưa kịp nói lới cảm ơn thì họ đã vội đi làm.

Khi con cháu tôi đến, chúng hỏi đến xe đạp, tôi nói lại, chúng cử một cháu đi lấy xe. Không tìm thấy xe, cháu điện lại, mọi người trong phòng đều cười tôi: Ông cả tin thật. Thấy xe ông mới, nó giả vờ nhân đạo, giúp đỡ. Khi ông đi rồi nó cũng tếch luôn chứ làm gì còn chuyện tay thanh niên đi xe máy dừng lại, gửi xe cho ông. Tôi không tin có sự tráo trở, nên nhắc cháu tìm, xác định chỗ tôi bị tai nạn, rồi sẽ tìm mấy nhà cạnh đấy. Quả nhiên các cháu vào mấy nhà cạnh đấy và nhận được xe anh thanh niên gửi lại.

  • Cứu người bị nạn rồi gửi tài sản giúp người bị nạn, đấy chẳng phải là việc làm tốt để ta trân trọng, biết ơn sao? Sao lại có chuyện làm ơn chịu oán được.

Nghe chuyện CCB Thùy kể, bà con đến thăm đều vui. Bà Vân suýt xoa: Ông có cái rủi nhưng lại gặp may. Bây giờ người ta kêu ca các tệ nạn, cái xấu xảy ra hàng ngày, nhưng sao những điều tốt, những con người tốt thì lại quên. Như ông Thùy đấy, người ta làm ơn mà có nhận lời cảm ơn đâu. Họ sống theo đúng truyền thống, đạo lý của người Việt mình mà. Phải không các ông, các bà?

Vẫn còn đó, nhiều người, như hai cô gái, như anh thanh niên chưa biết tên kể trên; nhiều, nhiều lắm!

Minh Phương