Việc sử dụng rượu trở nên quá mức (nghiện rượu), gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, trong đó có tình trạng loạn thần.
Rối loạn tâm thần xảy ra khi cơ thể không đào thải được các độc tố có trong rượu, sẽ gây ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương. Từ đó gây rối loạn chuyển hóa, làm suy giảm chức năng gan, thận; ảnh hưởng vùng cảm xúc, trí nhớ và khả năng điều khiển hành vi. Bệnh nhân điều trị loạn thần do rượu ở Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn phải buộc tay, chân để kiểm soát hành vi.
Các rối loạn tâm thần thường gặp ở bệnh nhân loạn thần do rượu là ảo giác, hoang tưởng, khó ngủ hoặc ngủ ít… “Thường gặp nhất và nặng nề nhất là sảng rượu với các biểu hiện rối loạn ý thức, ảo giác; nhất là ảo thị, ảo thanh, hoang tưởng bị truy hại. Nhiều trường hợp bệnh nhân loạn thần nhảy từ tầng cao bệnh viện xuống sân” - bác sĩ Phan Thanh Huy nói.
Điều đáng lưu ý, hầu hết những bệnh nhân nghiện rượu đều không hợp tác với các y bác sĩ để cai rượu. Cai nghiện rượu không khó, nhưng nguy cơ tái nghiện lại rất cao. Khi vào viện, bệnh nhân sẽ được điều trị giải độc khoảng một tuần tại viện, sau đó được giám sát, theo dõi ở nhà. Bệnh nhân được dùng thuốc giảm thèm muốn và gây ghét sợ rượu, giúp bệnh nhân nhìn thấy rượu là sợ, tránh xa. Nhưng để cai được, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ này trong một năm.
Bác sĩ Phan Thanh Huy khuyến cáo: Khi thấy người nghiện rượu có dấu hiệu loạn thần, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, không nên tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, điều trị loạn thần và cắt cơn cho người nghiện rượu không khó bằng giai đoạn duy trì và chống tái nghiện.
Để không tái nghiện rượu, bản thân người nghiện cần có nghị lực và quyết tâm từ bỏ rượu, đồng thời tuân thủ chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sĩ. Gia đình và xã hội cần kiên trì vận động để người bệnh từ bỏ thói quen uống rượu, không nên kì thị, xa lánh mà cần giúp đỡ để người bệnh tái hòa nhập cộng đồng.
Thành An