*Không cần gói khuôn nhưng những chiếc bánh vẫn vuông vức.*Từ đầu làng đến các ngõ xóm, người dân tất bật ngâm, vo gạo, đãi đỗ, rửa lá, quây quần ngồi gói bánh chưng. Mùi gạo nếp, đỗ xanh, lá chuối… toả hương thơm lừng làm khách phương xa nao lòng.
Các thế hệ trong gia đình cùng gói bánh chưng, bánh tày.
Không ai biết bánh chưng Thuỷ Đường có từ bao giờ, lớn lên họ đã biết làm rồi. Ngày thường, ngoài bánh chưng lớn, họ làm cả bánh chưng loại nhỏ, bánh tày (giống bánh chưng nhưng hình trụ, cỡ bằng cổ tay người lớn), bánh giò, bánh giậm… Từ rằm tháng Chạp, các hộ chủ yếu sản xuất bánh chưng Tết theo đơn đặt hàng của người quen, thương lái.
Bà Nguyễn Thị Dâng, người làm bánh lâu năm ở Thủy Đường vừa gói bánh vừa chia sẻ bí quyết: “Bánh chưng muốn ngon, trước tiên lá dong phải sạch, khô ráo. Gạo nếp sau khi vo xong ngâm khoảng 1-2 giờ, nhặt bỏ sạn, đỗ xanh đãi vỏ. Để bánh chưng thơm bùi, béo ngậy, nên chọn thịt lợn vai sấn. Thịt rửa sạch, chần qua nước sôi, thái miếng vừa phải, ướp muối, tiêu bắc cho đậm đà, dậy mùi thơm”.
Nhiều vùng, thường tạo màu xanh cho bánh chưng bằng cách trộn gạo nếp với nước lá riềng, thì người làm nghề nơi đây tận dụng màu xanh của lá chuối. Phải là lá chuối hột, chọn lá bánh tẻ, không già không non mới có độ xanh mượt mà, còn lá chuối tây, chuối ta sẽ cho màu nâu đỏ. Phần trong lót lớp lá chuối lật ngược (mặt ngoài của lá bao quanh phần gạo nếp). Bên ngoài bọc lớp lá dong để hình dáng bánh được vuông. Người làm nghề ở Thuỷ Đường hầu hết “gói vo” (không dùng khuôn) nhưng bánh chưng cái nào cũng vuông vức, chặt tay.
Để tạo độ rền cho bánh, loại to luộc trên bếp than hoặc củi chừng 10-12 tiếng, còn loại nhỏ, cũng phải trên dưới 5 tiếng. Do bánh chưng được luộc kỹ nên trong thời tiết lạnh có thể để trên dưới 10 ngày mà không lo bị mốc hay thiu. Công việc gói bánh chưng chủ yếu cần khéo tay, tỷ mẩn nên người già, phụ nữ, trẻ em có thể làm được. Trẻ nhỏ lau lá, xâu bánh, phụ nữ, người già gói bánh. Còn đàn ông thường đảm nhận công việc luộc, vớt bánh.
Bà Đào Thị Tám, ở thôn Bấc 2, xã Thủy Đường cho biết: “Trong làng hầu như nhà nào cũng gói bánh chưng, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Nhiều gia đình có 4 - 5 đời theo nghề truyền thống”.
Ông Nguyễn Tất Na, 67 tuổi, ở thôn Bấc 2, cho biết: “Gần dịp Tết, gia đình tôi phải thuê thêm khoảng 20 lao động. Người chuẩn bị nguyên liệu, người gói, người bắc bếp, mỗi người 1 chân 1 tay mới cung cấp đủ bánh theo đơn đặt hàng”. Có thể thấy, bên cạnh việc gìn giữ, phát huy nghề truyền thống, những cơ sở sản xuất bánh còn tạo việc làm cho người dân trong vùng.
Ngày nay trong nhịp sống hiện đại, nhiều gia đình ở thành phố không có điều kiện và thời gian để gói bánh chưng, các sản phẩm của làng nghề truyền thống là món quà quý dành biếu, tặng nhau mỗi dịp Tết đến, xuân về. Vì thế, từ cuối tháng 11 âm lịch trở đi, đường về Thuỷ Đường lại nườm nượp bước chân thương lái, người dân Thuỷ Nguyên và các vùng lân cận tìm về mua hoặc đặt trước những chiếc bánh chưng thơm lừng, xanh mướt, vuông vức của Thuỷ Đường.
Phan Thái