Thiếu tướng Vũ Thắng.
Đồng chí Vũ Thắng (tên thật là Đào Xuân Thu, 1927-2022), cán bộ tiền khởi nghĩa; nguyên Phó cục trưởng Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng).
Tháng 8-1951, đang là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Trị, đồng chí được điều ra Bắc bổ sung cho quân đội.Trên đường ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ, khi nghỉ chân ở Ninh Bình, Vũ Thắng được gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang chỉ đạo chiến dịch Quang Trung vàđược Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho biết đồng chí được bổ nhiệm chức Trưởng phòng Điệp báo của Cục Quân báo.
Làm tình báo! Vũ Thắng hết sức ngỡ ngàng. Lâu nay, trong tiềm thức của anh, tình báo phải là người có trí óc xuất chúng, giỏi võ thuật, bắn súng ngắn hai tay! Còn mình vốn chỉ là anh nông dân, công tác ở địa phương, chỉ quen việc chỉ đạo đào hầm bí mật, trừ gian diệt tề, làm tình báo sao được? Như nắm được ý nghĩ của anh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói: “Không biết thì học, làm cách mạng là vậy!”.
Không biết thì học, câu nói đó đi theo ông suốt đời.
Theo hồi ức của đồng chí Vũ Thắng trong cuốn “Các nhà tình báo kể chuyện” do Tổng cục II ấn hành năm 2005 thì vào thời gian này, Phòng Điệp báo gặp rất nhiều khó khăn, cả về nhân sự và cơ sở vật chất. Do vậy, đầu năm 1952, khi được Bí thư Tổng Quân ủy-Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho gọi lên làm việc về tình hình điệp báo, sau khi báo cáo kế hoạch triển khai công tác, đồng chí Vũ Thắng đã mạnh dạn đề đạt với Tổng Quân ủy giúp đỡ về cán bộ và ngoại tệ cho Phòng hoạt động.
“Nghe tôi báo cáo xong, đại tướng Võ Nguyên Giáp có chỉ thị: “Hai khó khăn của Phòng Điệp báo là đúng thực tế. Khó khăn thứ nhất là thiếu cán bộ thì đồng chí gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh; còn khó khăn thứ hai là ngoại tệ để hoạt động thì gặp đồng chí Trần Đăng Ninh (Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (Tổng cục Hậu cần)”!
“Trở về cơ quan với niềm vui, nỗi lo lẫn lộn, hôm sau, tôi xin gặp trực tiếp đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đề đạt khó khăn thứ nhất. Đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hào hứng trả lời ngay:
- Ủng hộ thôi. Cậu cứ chấm đồng chí nào thì tớ cho đồng chí ấy.
Tôi liệt kê một số cán bộ từng có kinh nghiệm hoạt động và đưa cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Ngay lúc đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh viết thư tay gửi cho Văn phòng điều động. Trong số cán bộ được điều động hôm ấy có những người sau này là cốt cán của tình báo chiến lược trong giai đoạn đánh Mỹ, trở thành Anh hùng hay cán bộ lão thành của Ngành Tình báo quốc phòng, như Đinh Thị Vân, Bạch Ngọc Phách…
Sau khi giải quyết xong khó khăn thứ nhất, tôi lại đến gặp đồng chí Trần Đăng Ninh để xin cấp ngoại tệ. Sau một hồi phân vân, đồng chí Trần Đăng Ninh trả lời hết sức chân tình, thẳng thắn:
- Các đồng chí hoạt động trong nội đô mà không có ngoại tệ thì quả là quá khó, nhưng trong kho của Tổng cục lúc này không có ngoại tệ. Mình sẽ bày cho cậu một cách: Trong chiến dịch Cao - Bắc - Lạng vừa rồi, quân ta thu được một lô thuốc phiện của địch. Bây giờ tớ cho cậu 2 cân, cậu cho anh em mang vào thành phố bán để lấy ngoại tệ.
Nghe đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp nói mà tôi cứ phân vân mãi là liệu cách này liệu có được không? Nhưng nghĩ lại bây giờ cái cần nhất là dù ít dù nhiều vẫn phải có ngoại tệ để anh em hoạt động. Trở về cơ quan, tôi cử hai giao thông viên là các đồng chí Nguyễn Bá Liên và Phan Sỹ Thị đi xe đạp lên Cao Bằng để nhận, và phải khó khăn lắm, đồng chí Liên và đồng chí Thiện mới mang được hai cân thuốc phiện về. Có thuộc phiện rồi, tôi tổ chức cho một số anh em lanh lợi đem vào các đồn bốt của Pháp để bán. Chỉ trong vài buổi, với những câu chuyện ngụy trang khéo léo, hai cân thuốc phiện đã hết sạch.
Số ngoại tệ thu được từ bán thuốc phiện đã trở thành ngân sách đầu tiên của Phòng Điệp báo. Cũng chính từ số tiền đó mà nhiều giấy tờ cùng các trang thiết bị khác được mua sắm, trang bị, giúp cho các cán bộ điệp báo hoạt động an toàn và có kết quả tốt đẹp”.
Năm tháng trôi qua, đồng chí Vũ Thắng lần lượt đảm nhiệm nhiều trọng trách trong Ngành Tình báo quốc phòng. Nhưng dấu ấn về những ngày tháng đầu tiên hoạt động điệp báo mãi in đậm trong tâm trí ông.
Nguyên Phong