Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận thấu tình, đạt lý. Đây là bài học lớn đặt ra nhiều vấn đề phải nghiên cứu, giải quyết, trước hết là về công tác cán bộ. Điều đó cho thấy sự yếu kém về năng lực thực tiễn cũng như phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên từ cấp xã đến cấp thành phố. Trong nhận thức cũng như hành động có biểu hiện quan liêu, thiếu tôn trọng nhân dân. Trong hệ thống từ thành phố đến xã, với những cán bộ lãnh đạo, tham mưu ban bệ đầy đủ, nhưng vẫn ban hành và thực thi những quyết định trái pháp luật về một vấn đề rất lớn, phức tạp và rất nhạy cảm là đất đai.

Bài học quan trọng nhất là chính quyền của dân, do dân, vì dân, hành xử phải vì quyền lợi chính đáng của dân, chăm lo cho dân. Nhân dân đồng tình và đánh giá cao kết luận giải quyết vụ việc này của Thủ tướng Chính phủ. Thành uỷ và UBND TP Hải Phòng đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc kiểm điểm và đang khẩn trương chỉ đạo giải quyết theo kết luận của Thủ tướng. Rồi đây, các cán bộ làm sai sẽ phải chịu kỷ luật; kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự và truy tố trước tòa án, người dân vi phạm pháp luật cũng phải xử lý nghiêm minh. Nhưng từ vụ việc này cần nghiêm túc rút ra nhiều bài học sâu sắc không chỉ đối với Hải Phòng mà là với tất cả các địa phương, các bộ, ban ngành và đoàn thể chính trị - xã hội. Khi sự việc nghiêm trọng xảy ra, phản ứng của hệ thống chính trị và những cán bộ có trách nhiệm của địa phương quá thụ động, có phần tiêu cực, né tránh trách nhiệm, bao che, khiến cho sự việc đã nghiêm trọng càng nghiêm trọng hơn... Chính vì vậy, công việc đầu tiên của “hậu Tiên Lãng” là sự sàng lọc, củng cố bộ máy tổ chức, cán bộ ở địa phương này. Đây là thời điểm tốt để mỗi cán bộ, đảng viên nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, soi mình vào thực tiễn để đánh giá lại mình... Vụ việc Tiên Lãng chính là liều thuốc thử hiệu nghiệm năng lực công vụ và độ nhạy bén nhận thức chính trị của từng đảng viên, cán bộ từ cấp xã, huyện đến cấp thành phố.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 4 BCH T.Ư khóa XI, ngày 26-12-2011, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp... Khó, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và tồn vong của chế độ”. Lúc này, với xã Vinh Quang, với huyện Tiên Lãng, với TP Hải Phòng, càng phải làm, làm nghiêm túc, để có bộ máy công quyền lành mạnh, đem lại niềm tin cho nhân dân.

Sự cảnh tỉnh không chỉ cho huyện Tiên Lãng hay TP Hải Phòng, mà còn cho mọi địa phương trong cả nước, là sự thận trọng trong xử lý các vụ việc liên quan đến đất đai của nông dân. Chúng ta đã có những bài học về lòng dân, ứng xử của chính quyền cơ sở với dân sau vụ Thái Bình 15 năm trước. Chính vì sâu sát dân mà Đảng ta đã chỉ đạo giải quyết vụ Thái Bình êm đẹp, đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích của dân, tránh được hậu họa khôn lường.

Không phải ngẫu nhiên mà trong số các vụ việc khiếu kiện có đến hơn 70% vụ việc liên quan đến đất đai. Đối với người nông dân, đất đai không chỉ là tư liệu sản xuất, mà còn là quá khứ, hiện tại và tương lai, là đời sống, mồ hôi, nước mắt và có khi cả xương máu bao thế hệ.

Vấn đề rất cấp bách là phải xem lại Luật Đất đai và các quy định kèm theo, cân nhắc thận trọng trên cơ sở thực tiễn cuộc sống để sửa đổi luật cho phù hợp; đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của toàn dân trong sở hữu đất đai. Tiếp đó là hệ thống pháp luật của quốc gia đòi hỏi phải có sự thống nhất trong lập pháp, lập quy, đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm trong vận dụng. Xử lý vấn đề đất đai phải minh bạch, thấu lý đạt tình, lấy hai chữ an dân làm đầu; tôn trọng người dân, việc gì có lợi cho dân thì nên làm, việc gì không có lợi cho dân thì không nên làm; không lạm dụng cái gậy “cưỡng chế” đẩy người dân vào thế đường cùng; trong các vụ cưỡng chế thu hồi đất đai, không được coi người dân có đất phải cưỡng chế là tội phạm.

Bài học Tiên Lãng, Hải Phòng sẽ là cơ hội để cán bộ, đảng viên, chính quyền các cấp, từ T.Ư đến địa phương xem xét nghiêm túc để thực hiện Nghị quyết T.Ư lần thứ 4 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.

CCB Việt Nam