*Bà Nguyễn Thị Côi trong giờ lên lớp dạy các học sinh đặc biệt.*Đứng bên ngoài lớp học, nghe tiếng bà giáo già dạy cho các em cánh đánh vần bảng chữ cái, cách ghép vần, tập đọc... nhiều người sẽ nghĩ rằng ở đây đang dạy trẻ mẫu giáo và lớp 1 trong giờ tập đọc. Nhưng không! Bước chân vào lớp, hình ảnh những đứa trẻ cao lớn ngồng ngỗng, ngơ ngác nhìn, chúng ta mới biết đó là lớp học đặc biệt.


Các học sinh ở lớp học bà Nguyễn Thị Côi.

Trò chuyện với tôi, bà giáo Côi cho biết: Lớp đặc biệt từ cái tên của nó là “lớp học linh hoạt”. Linh hoạt bởi không phải các em cùng 1 tuổi vào 1 lớp như các lớp học thông thường mà tất cả các em ở mọi lứa tuổi đều học 1 lớp; trong lớp cũng linh hoạt bởi 22 em học sinh là 22 giáo án khác nhau, mỗi em một giáo án, mỗi em một hoàn cảnh, mỗi em một thể trạng bệnh khác nhau... không ai giống ai nhưng đều chung một mục đích là xóa nạn mù chữ.

Lớp học được duy trì đều đặn mỗi sáng từ thứ 2 đến thứ 6, bắt đầu từ 8 giờ đến 10 giờ 30. Nói về cơ duyên đến với lớp học linh hoạt, bà giáo Côi cho biết: “Sau khi nghỉ hưu ở Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, với tình yêu thương con trẻ, tình yêu nghề mãnh liệt và mong muốn chia sẻ với các em có hoàn cảnh đặc biệt, các em khuyết tật... giúp các em phần nào vơi đi sự thiệt thòi, tôi đã quyết định về gắn bó với các em nơi đây”.

Trong lớp học linh hoạt, có em mới 6 tuổi, nhưng có học trò đã ngoài 30. Mỗi em là một hoàn cảnh đáng thương. Bà giáo Côi hiểu rõ từng hoàn cảnh, tính cách của từng học trò “cá biệt”. Cũng chính vì hiểu được các trò nên bà giáo Côi đã dạy dỗ, cảm hóa được học sinh của mình.

Em Tuấn Anh, 12 tuổi, đang học chương trình lớp 1, bị thiểu năng trí tuệ, tính tình năng động, tham gia lớp học được hơn 1 năm, đến nay em đã đọc tốt, viết chữ rất đẹp và làm được những phép tính cơ bản, nhưng cũng nhớ nhớ quên quên.

Em Phạm Duy Long bị bệnh về thần kinh nên rất nghịch, bố mẹ bất lực, đành gửi em đến lớp học của bà. Những ngày đầu đến lớp, trong giờ học, em nói suốt, không nghe lời cô giáo, nhưng sau một thời gian cảm hóa, Long đã thuần tính, ngoan ngoãn và lễ phép hơn, đã biết chơi đùa với bạn bè. Nhưng bệnh của em ngày càng nặng, có những hôm đang nồi học em bị co giật, sùi bọt mép... bà giáo Côi lại phải sơ cứu rồi gọi nhân viên y tế.

Hay em Chu Ngọc Tùng (23 tuổi), mẹ qua đời khi em còn nhỏ, bố thì bỏ rơi em. Tùng ở với bà ngoại gần 80 tuổi. Dù đã là người trưởng thành nhưng con người và tâm hồn của Tùng vẫn như một học sinh tiểu học. Em bị thiểu năng trí tuệ, học lúc nhớ lúc quên, tham gia lớp học đã gần 5 năm nay nhưng Tùng vẫn chưa thuộc 24 chữ cái. Do bắt chước nên chữ viết thì rất đẹp. Trước đây, tính khí của Tùng rất ngỗ ngược, thất thường, ai làm trái ý, em bất chấp tất cả. Nhưng bà giáo Côi đã hiểu em, coi em như con của mình, sự quan tâm của bà đã giúp Tùng thay đổi. Em dần mất đi sự tự ti, mặc cảm, chịu khó đến trường hơn và rất ngoan ngoãn, nghe lời cô giáo.

Không thể kể hết hoàn cảnh của tất cả 22 em học sinh trong lớp nhưng mỗi trẻ là một niềm trăn trở của bà giáo già: “Nếu giờ bỏ lớp thì bọn trẻ bất hạnh quá! Chúng đã không được như những bạn bè cùng trang lứa khác, nay lại không được cắp sách đến trường!”.

Học trò đến với bà Côi, bà không chỉ dạy chữ mà còn cả cách sống, lao động để các em tự làm, trước hết là có thể lo được cho bản thân, không phải lệ thuộc gia đình.

Chia tay lớp học, ánh mắt trầm buồn của bà giáo già luôn mong mỏi xã hội cần quan tâm đến các em, giúp các em trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, đừng xem các em là gánh nặng... Tội nghiệp!

Minh Thư