Những năm gần đây, được chính quyền các cấp, đoàn thể, các cơ quan chức năng quan tâm nên công tác tổ chức, quản lý có chuyển biến tích cực. Cụ thể là, các lễ hội dù lớn, dù nhỏ đều diễn ra an toàn; thực hiện theo các quy định của Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; khai thác, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hơn nữa, các lễ hội được tổ chức phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của từng địa phương; tạo không khí phấn khởi trong nhân dân. Nguồn tài trợ, nguồn thu qua công đức, lệ phí, dịch vụ, phần lớn được sử dụng cho việc tôn tạo, tổ chức lễ hội và phúc lợi công cộng. Bên cạnh đó, lễ hội ở T.Ư và địa phương còn giúp cho ngành du lịch ở nước ta phát triển, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế...
Để minh chứng cho sự chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức lễ hội năm nay, phải nói tới lễ hội chùa Hương. Đây là lễ hội dài nhất, thu hút khách đến chiêm bái, thưởng ngoạn đông nhất. Ngày mùng 6 Tết Nhâm Thìn (28-1-2012), khai mạc lễ hội, đã có 4 vạn khách về dự. Và dự kiến, năm nay, chùa Hương sẽ đón gần 1,5 triệu lượt du khách. Ban tổ chức đã đề ra nhiều phương án nhằm đẩy lùi tệ nạn, giảm thiểu tiêu cực; thành lập 2 tổ kiểm tra, có lắp đặt ca-mê-ra tại chỗ để phát hiện hành vi vứt rác bừa bãi và xử phạt hành chính với mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/lần. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng. Khu vực lễ hội có khoảng 320 hàng quán, gồm: hàng ăn, quán trọ, hàng bán lưu niệm, tạp phẩm, được quy hoạch, gọn gàng, trật tự, thống nhất. Ban tổ chức chỉ đạo các đơn vị y tế đóng trên địa bàn xây dựng kế hoạch, chuẩn bị mọi thứ cần thiết theo yêu cầu và chuyên môn quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh ăn uống, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Công tác điều hành, bố trí các điểm trông gửi xe, hướng dẫn du khách có nhiều cải tiến, với hơn 4.600 thuyền, đò vận chuyển khác được tu sửa, đóng mới, phục vụ việc đưa đón khách thập phương...
Trước ngày khai mạc lễ hội, ban tổ chức đã mở 6 lớp, có 3.000 người dự, tìm hiểu về Luật Di sản, Luật Giao thông đường thủy và văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự với du khách.
Đó là những cố gắng lớn của lễ hội chùa Hương năm nay. Tuy nhiên, mới tuần đầu khai mạc, tại đây cũng đã có những mặt hạn chế: Việc điều hành, bán vế cáp treo lên động Hương Tích chưa hợp lý, bị ùn tắc nghiêm trọng. Một số quán ăn ngang nhiên treo bán thịt thú rừng và chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Với các lễ hội khác, còn nhiều hạn chế, tiêu cực chưa giải quyết dứt điểm từ nhiều năm nay. Đó là tình trạng chen lấn, xô đẩy, vứt rác bừa bãi, xâm hại di tích, thắng cảnh, đốt vàng mã tràn lan, đặt tiền bừa bãi lên bàn thờ. Những hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói, xóc thẻ, khấn thuê, sắm lễ hoang phí còn tiếp diễn. Các hoạt động dịch vụ tùy tiện, mất trật tự, nâng ép giá, lưu hành ấn phẩm ngoài luồng vẫn tồn tại. Bên cạnh đó, người ăn xin đeo bám, tệ nạn móc túi, trộm cắp, các trò chơi mang tính cờ bạc, sát phạt nhau chưa được giải quyết triệt để.
Ấy là chưa nói đến việc gia tăng khi nhiều địa phương đua nhau mở lễ hội với xu hướng tự nâng cấp, tự xưng danh là lễ hội mang tính quốc gia mà không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Hơn nữa, số người đi dự lễ hội ngày càng đông, cơ sở hạ tầng phục vụ bị quá tải. Những tình trạng trên nếu không có biện pháp hữu hiệu khắc phục thì giá trị của các lễ hội sẽ bị giảm sút, mai một dần...
Để mùa lễ hội hàng năm được an toàn, lành mạnh và văn minh, chính quyền các cấp, đoàn thể và những cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức người tham gia lễ hội; hướng về cội nguồn, biết ơn tổ tiên, ông bà, các bậc tiền nhân có công với dân, với nước. Hình thức tuyên truyền phải phong phú, hấp dẫn qua các phương tiện thông tin đại chúng: Báo viết, phát thanh, truyền hình, trang báo điện tử, pa-nô, áp-phích, tờ rơi... gới thiệu di tích, danh thắng cuốn hút khách du lịch. Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần tiếp tục ban hành văn bản, quy định khoa học, sát thực tế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác tổ chức, quản lý hoạt động lễ hội trên toàn quốc.
Kinh nghiệm cho thấy, công tác tổ chức, quản lý lễ hội không thể nêu những phương hướng chung chung mà phải huy động nhân dân, cụ thể là Hội CCB, Đoàn thanh niên, Hội người cao tuổi cùng chính quyền địa phương giải quyết từng vụ việc kiên quyết, dứt khoát, có lý, có tình; vừa tuyên truyền giáo dục vừa xử phạt nghiêm minh.
Phấn đấu để mùa lễ hội hàng năm được an toàn, lành mạnh và văn minh là trách nhiệm của mỗi người dân, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ đổi mới đất nước.
Chi Phan