• Các bé được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố.*
    Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng (T.P HCM) vừa tiếp nhận hai anh em ruột T.K. (7 tuổi) và T.V (5 tuổi), quê ở Bạc Liêu bị ong vò vẽ đốt dẫn tới suy đa cơ quan. Năm người này bị ong đốt khi dọn dẹp, sửa chữa nhà.

Do bị ong đốt quá nặng, 1 người bà và bé 13 tháng tuổi đã tử vong. Hai anh em K. và V. cùng người bà còn lại nguy kịch. Hai bé sau đó được chuyển lên Bệnh viện nhi Cần Thơ chữa trị trong tình trạng toàn thân có nhiều vết ong đốt, suy gan thận nặng.

Hai bệnh nhi được chuyển lên T.P HCM chữa trị. Bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng khoa Hồi sức chống độc bệnh viện Nhi đồng cho biết: Hai bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sưng phù toàn thân. Bác sĩ ghi nhận hơn 100 nốt ong đốt mỗi bé, nhiều vết sưng to hoại tử, niêm mạc nhợt, khó thở, nước tiểu đỏ, suy đa tạng, men gan tăng gần 100 lần, suy thận, rối loạn đông máu nặng.

Làm gì khi bị ong đốt?

Theo các bác sĩ, mùa hè là thời điểm tai nạn do ong đốt gia tăng. Mọi người cần lưu ý tránh tiếp xúc với ong, không kích động hoặc chọc phá tổ ong. Khi ong bay đến, không chạy, nên đứng hoặc ngồi im không cử động.

Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà. Khi ong vào nhà làm tổ, cần phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình.

Khi bị ong đốt, cần lưu ý sơ cứu kịp thời:

  • Nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi khu vực có ong.

  • Đặt người bị ong đốt nằm yên tại chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền nhanh trong cơ thể.

  • Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra.

  • Tuyệt đối không dùng tay nặn ép lấy ngòi vì có thể làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể.

  • Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng, uống nhiều nước để loại thải các độc tố.

  • Đưa người bị đốt tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Văn Đức