Ban tổ chức đã lựa chọn và trao giải cho 34 đề án trong tổng số 160 đề án tham gia. Các đề án được trao giải đã được triển khai tại nhiều vùng, miền trên cả nước; trong đó 60% tại khu vực phía Bắc, 25% khu vực miền Nam và 15% tại khu vực miền Trung.

Theo tính chất hoạt động, các đề án đạt giải lần này được chia thành bốn nhóm: Giám sát cộng đồng (16 đề án); truyền thông, nâng cao nhận thức (9 đề án); giáo dục đào tạo cho thanh thiếu niên (5 đề án) và ứng dụng công nghệ thông tin (4 đề án). Tiêu chí đánh giá đề án căn cứ vào tính hiệu quả, hiệu suất, bền vững, phù hợp, tác động đến nhóm đối tượng và tính sáng tạo.

Theo nhóm tư vấn độc lập, hiệu suất triển khai của các dự án là khá cao. Trung bình một dự án đã tổ chức từ 10 – 15 hoạt động với hàng nghìn lượt người tham gia. Tính đến 1/5/2013, hầu hết các đề án đã hoàn thành các hoạt động và sản phẩn như dự kiến, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu, mục đích đề ra. Nhiều đề án đạt điểm ở mức khá (trung bình 3,5 điểm trên thang 5 điểm), đúng tiến độ, đảm bảo đầu ra cũng như các chỉ tiêu định lượng dự kiến…

Đáng chú ý, một số đề án đã đạt được những kết quả thực hiện xuất sắc, tác động tích cực tới công tác phòng chống tham nhũng ở địa phương, như: Đề án P41 “Nâng cao năng lực giám sát cộng đồng trong xây dựng Nông thôn mới,” của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tỉnh Thái Nguyên; đề án P64 “Nâng cao năng lực giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng,” của Thanh tra tỉnh Quảng Nam…

Từ kết quả của Chương trình VACI 2011, Ban tổ chức mong muốn các đề án thành công phải được lan tỏa trong cộng đồng. Qua đó Thanh tra Chính phủ cũng đưa ra kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kết quả thực hiện các đề án VACI 2011, tiếp thu những sáng kiến, bài học thực tiễn từ việc thực hiện các đề án để hướng dẫn, nhân rộng trong việc hoạch định, hoàn thiện thể chế, chính sách có liên quan.

Theo Vietnam+